Cách cân bằng Ai Cập-Ethiopia trong vấn đề Đập Thủy điện Đại Phục hưng

Chiến lược cân bằng của Nga đã được đón nhận tích cực ở Sudan và Ethiopia, song có nguy cơ làm "mất lòng" Ai Cập, tuy nhiên, Moskva dường như kiên định với chính sách không can thiệp này.
Cách cân bằng Ai Cập-Ethiopia trong vấn đề Đập Thủy điện Đại Phục hưng ảnh 1Công trường xây dựng Đập Thủy điện Đại Phục hưng ở gần Guba, Ethiopia, ngày 26/12/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Viện Nghiên cứu Trung Đông mới đây đăng bài viết phân tích về việc Nga tìm cách cân bằng mối quan hệ với Ai Cập và Ethiopia trong bất đồng Đập Thủy điện Đại Phục hưng, dù đây là một nhiệm vụ không hề dễ dàng.

Mở rộng can dự ngoại giao

Kể từ cuối tháng Sáu năm nay, Nga đã mở rộng can dự ngoại giao trong bất đồng có liên quan tới Đập Thủy điện Đại Phục hưng (GERD) giữa Ai Cập, Sudan và Ethiopia. Ngày 23/6 vừa qua, Ngoại trưởng Ethiopia Demeke Mekonnen và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov bày tỏ sự ủng hộ chung đối với việc giải quyết tranh chấp GERD thông qua Liên minh châu Phi (AU).

Sau cuộc gặp này, Ngoại trưởng Lavrov cũng đã thảo luận về vấn đề GERD với Ngoại trưởng Sudan Mariam al-Mahdi, trong khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin có cuộc tham vấn với Đại sứ Ai Cập tại Nga Ihab Nasr về cuộc khủng hoảng GERD.

Mặc dù Nga đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các bên trong vấn đề GERD, song Moskva đã tránh đặt mình vào bất đồng này với tư cách là nhà hòa giải, mà thay vào đó tìm cách cân bằng quan điểm của Ai Cập, Sudan và Ethiopia trong các diễn đàn đa phương. Lập trường này phản ánh cách tiếp cận tương tự của Trung Quốc đối với vấn đề GERD, và chia sẻ một phần quan điểm của Mỹ vốn ủng hộ giải pháp của AU để xử lý tranh chấp.

Chiến lược cân bằng của Nga đã được đón nhận tích cực ở Sudan và Ethiopia, song có nguy cơ làm "mất lòng" Ai Cập. Tuy nhiên, Moskva dường như kiên định với chính sách không can thiệp này, trong bối cảnh Nga luôn tìm cách hạn chế lan tỏa những căng thẳng từ GERD sang các lĩnh vực hợp tác khác với Ai Cập, đồng thời tin tưởng rằng lập trường của Nga sẽ giúp củng cố quan hệ đối tác với Ethiopia.

Trong những năm đầu của bất đồng GERD, bắt đầu từ việc Ethiopia khánh thành con đập hồi tháng 4/2011, Nga đã không thể hiện rõ lập trường của mình. Báo cáo năm 2017 của Hội đồng Các vấn đề Đối ngoại Nga cáo buộc Ethiopia lợi dụng sự bất ổn của Ai Cập thời kỳ hậu Mùa xuân Arập và sự ly khai của Nam Sudan để triển khai dự án GERD vào năm 2011. Tuy nhiên, những lời chỉ trích này không xuất hiện trong các tuyên bố chính thức của Nga.

Thái độ tách biệt này đối với vấn đề GERD kết thúc vào tháng 10/2019, khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov tuyên bố rằng Nga sẵn sàng làm trung gian giữa Ai Cập và Ethiopia do Moskva có "quan hệ tuyệt vời" với cả hai nước.

Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã gặp Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi tại Sochi, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã thảo luận về vấn đề GERD trong các cuộc gặp với cả hai nhà lãnh đạo này.

Bất chấp những bình luận của ông Bogdanov và vai trò trung gian ngày càng gia tăng của Moskva trong các cuộc xung đột khu vực như tại Libya và Cộng hòa Trung Phi, Nga đã không trở thành một bên hòa giải trong tranh chấp GERD. Sự kiềm chế này có thể xuất phát từ sự chia sẻ quan điểm của Nga với lời kêu gọi không can thiệp từ bên ngoài của Ethiopia, bên cạnh các động thái ngoại giao của các cường quốc khu vực khác như Mỹ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước chuyến thăm Cairo ngày 12/4 của Ngoại trưởng Lavro, người đồng cấp Ai Cập Sameh Shoukry kêu gọi Nga tận dụng mối quan hệ thân thiết với Ethiopia để giúp cải thiện bất đồng GERD và chống lại hành vi gây bất ổn của Ethiopia ở vùng Sừng châu Phi.

Ông Shoukry cũng bày tỏ mong muốn Nga phối hợp với các thành viên khác của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để giải quyết mối đe dọa từ Ethiopia đối với an ninh khu vực. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Lavrov đã không bình luận về tuyên bố của người đồng cấp Ai Cập mà thay vào đó, nhắc lại sự ủng hộ của Moskva đối với các cuộc đàm phán ba bên do AU làm trung gian.

Cách tiếp cận kiềm chế của Nga đối với vấn đề GERD cũng đã được tiết lộ trong các cuộc họp gần đây của Hội đồng Nhân dân Liên hợp quốc. Vào ngày 8/7, Đại diện thường trực Liên hợp quốc của Nga Vasily Nebenzia thừa nhận giá trị của GERD trong việc giảm thiểu tình trạng thiếu điện ở Ethiopia, đồng thời lưu ý "những lo ngại chính đáng" của Ai Cập và Sudan rằng GERD có thể làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán.

Để ngăn tranh chấp trở thành một cuộc khủng hoảng an ninh khu vực, ông Nebenzia một mặt ủng hộ hoạt động trữ nước GERD, mặt khác kêu gọi duy trì gắn kết giữa tất cả các quốc gia lưu vực sông Nile trong quản lý nguồn nước. Mặc dù những bình luận này phần nào ám chỉ phản đối Ethiopia đơn phương trữ nước GERD lần thứ hai, song cũng tìm cách xoa dịu những tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Ai Cập rằng "tất cả các lựa chọn đều mở" sau khi các cuộc đàm phán GERD thất bại hồi tháng 4/2021.

Vai trò cân bằng giữa Ai Cập và Ethiopia

Nga tin rằng một chỗ đứng địa chính trị ở phía Đông châu Phi sẽ củng cố ảnh hưởng của nước này ở Địa Trung Hải, Biển Đỏ và Ấn Độ Dương, nên Moskva đã duy trì quan hệ hữu hảo với cả Ai Cập, Sudan và Ethiopia. Ngoài quan hệ kinh tế ngày càng gia tăng, Nga thường xuyên giữ liên lạc với Ai Cập trong cuộc xung đột ở Libya và đã cố gắng đảm bảo quyền tiếp cận lâu dài các cơ sở hải quân trên Địa Trung Hải của Ai Cập kể từ năm 2017.

Bên cạnh đó, Nga đang trong quá trình hoàn tất thỏa thuận căn cứ hải quân ở Sudan, qua đó đảm bảo một chỗ đứng vững chắc trên Biển Đỏ và củng cố khả năng thực hiện các nhiệm vụ chống cướp biển ở Ấn Độ Dương. Nga cũng lưu ý về tham vọng trở thành cường quốc Biển Đỏ của Ethiopia và đang nâng cấp hợp tác an ninh với Addis Ababa. Mặc dù Sudan đã tán thành quan điểm GERD của Moskva, song việc Ai Cập không đồng ý với cách thức Nga xử lý bất đồng sẽ làm suy yếu cán cân này.

Trong một bài viết trên tờ Al-Shorouk ngày 10/7, nghị sỹ Ai Cập Emad Edin Hussein bày tỏ quan điểm của Nga là "rất tiêu cực" và tuyên bố rằng Tổng thống Putin đang cố gắng làm hài lòng Ethiopia trong vấn đề con đập gây tranh cãi.

Trong khi đó, nhà phân tích người Ai Cập Mamdouh Munir cho rằng lập trường GERD của Nga nhấn mạnh ưu tiên quan hệ với Ethiopia hơn là Ai Cập. Mặc dù các kỹ thuật viên Nga đã đến thăm cơ sở hạt nhân El Dabaa vào ngày 15/7 vừa qua, Ai Cập được cho là đã tạm dừng các cuộc họp với tập đoàn năng lượng hạt nhân khổng lồ Rosatom của Nga vì những khác biệt trong vấn đề GERD.

[Sudan tiếp tục phản đối hoạt động tích nước cho Đập Thủy điện Đại Phục hưng]

Việc Ai Cập mở rộng hợp tác an ninh với châu Âu cũng phản ánh sự nghi ngờ của Cairo về vị thế của Nga như một đối tác chống khủng hoảng.

Để giảm thiểu căng thẳng về GERD, Nga đã tăng cường hợp tác với Ai Cập trong các lĩnh vực khác. Vào ngày 8/7 vừa qua, Nga đã rút lại lệnh cấm các chuyến bay đến những khu nghỉ dưỡng của Ai Cập, vốn được áp đặt sau vụ rơi một máy bay chở khách trên Bán đảo Sinai vào năm 2015. Ai Cập đã tiến hành mua máy bay phản lực Su-35 của Nga, nhưng họ chưa chính thức xác nhận sự xuất hiện chiến đấu cơ này.

Ai Cập cũng đã đồng ý mở rộng khu công nghiệp của Nga ở Kênh đào Suez, sau khi một số quan chức Moskva kêu gọi phát triển Hành lang Bắc-Nam như một giải pháp thay thế cho Kênh đào Suez, động thái đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt ở Ai Cập.

Nga cũng đã kết hợp đối thoại với các quan chức Ai Cập trong tranh chấp GERD gắn với các cuộc đàm phán giải quyết xung đột về Libya và Syria, vốn là những lĩnh vực quan trọng của hợp tác Moskva-Cairo. Những chính sách mang tính biểu tượng và thực chất này nhấn mạnh việc Nga và Ai Cập đã nỗ lực ngăn chặn những bất đồng về GERD.

Nga cũng tận dụng vị thế của mình với Ethiopia trong vấn đề GERD để tăng cường quan hệ đối tác với Addis Ababa. Ngày 12/7, Nga và Ethiopia đã ký một thỏa thuận hợp tác quân sự, cho phép Moskva chuyển giao bí quyết công nghệ cho quân đội Ethiopia. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định thỏa thuận này không liên quan đến vấn đề GERD, và nó tương tự như những gì Moskva đã hợp tác với Ai Cập và Sudan.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận xu hướng hợp tác Nga-Ethiopia đang được mở rộng. Xu hướng đó nổi lên từ những mâu thuẫn trong mối quan hệ Mỹ-Ethiopia và mong muốn theo đuổi một trật tự thế giới đa cực của Thủ tướng Ahmed. Nga cũng coi Ethiopia là một thị trường vũ khí quan trọng, khi quốc gia này thường xuyên mua vũ khí của Nga kể từ Chiến tranh Badme giai đoạn năm 1998-2000 với Eritrea.

Tháng 4/2018, Nga đã ký một thỏa thuận an ninh với Ethiopia, trong đó tập trung vào vấn đề chống khủng bố, chống cướp biển và gìn giữ hòa bình. Tháng 12/2019, 1.000 sỹ quan quân đội Ethiopia đã đến Nga để tham gia đợt huấn luyện hải quân. Nga cũng đã phối hợp với Trung Quốc để ngăn chặn nghị quyết Hội đồng Nhân dân Liên hợp quốc kêu gọi ngừng bạo lực ở Tigray.

Sự ủng hộ của Nga đối với việc không can thiệp vào Tigray, trái ngược với việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và nhân viên an ninh Ethiopia. Quan điểm của Moskva đã được những người ủng hộ trung thành nhất của Thủ tướng Ethiopia ca ngợi.

Trong bối cảnh Ethiopia sẵn sàng đăng cai hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi năm 2022, Moskva sẽ tiếp tục ủng hộ một giải pháp do AU dẫn đầu để xử lý khủng hoảng GERD, đồng thời tìm cách xoa dịu Ai Cập bằng cách mở ra những lộ trình hợp tác song phương mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục