Ngày 1/10, tại thành phố Quảng Ngãi, Ban kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh uỷ Quảng Ngãi tổ chức hội thảo Quốc gia với chủ đề “Định hướng phát triển và cơ chế, chính sách đặc thù cho huyện đảo Lý Sơn” với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đầu ngành, nhà quản lý cùng các nhà doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn trong cả nước.
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã dự và chỉ đạo hội thảo.
Tại hội thảo, tỉnh Quảng Ngãi đã trình bày các định hướng lớn của tỉnh về phát triển huyện đảo Lý Sơn gắn với chiến lược phát triển kinh tế biển trong tình hình mới, tập trung chủ yếu vào định hướng và giải pháp củng cố xây dựng hệ thống hạ tầng, khai thác thế mạnh du lịch, dịch vụ và ngành khai thác thuỷ sản của huyện đảo theo mục tiêu 2020, Lý Sơn trở thành huyện đảo mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng-an ninh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng để Lý Sơn phát triển, trước mắt, tỉnh Quảng Ngãi cần rà soát toàn bộ diện tích trên đảo, từ đó đưa ra các phương án quy hoạch phát triển kinh tế và không được xâm lấn, đụng chạm đến diện tích đất trồng tỏi của người dân trên đảo vì đây là sản phẩm nông nghiệp, thương hiệu của Quốc gia.
Chính quyền địa phương cần phối hợp với các nhà khoa học để nghiên cứu phát triển phương pháp trồng tỏi Lý Sơn truyền thống đồng thời đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào nghề trồng tỏi để tạo năng suất, chất lượng cao.
Đối với hiện tượng nước biển dâng, xâm lấn nhiều diện tích trên đảo, Quảng Ngãi cần triển khai phương án xây dựng bờ kè để bảo vệ đảo đồng thời nghiên cứu phương án lấp biển để mở rộng diện tích đất.
Trước mắt, tỉnh cần phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp để cung cấp đầy đủ hệ thống điện, nước sinh hoạt cho nhân dân tại các địa phương trên đảo Lý Sơn.
Trong hệ thống quy hoạch môi trường, tỉnh cần xây dựng phương án quy tập mộ vào nơi tập trung, có thể tính đến phương án vận động người dân sử dụng hệ thống hỏa táng.
Huyện Lý Sơn phải tìm mọi cách, vận dụng mọi nguồn lực để hỗ trợ, xây dựng 100% hộ dân có nhà vệ sinh tự hoại, đồng thời trồng cây trên đảo để đảm bảo duy trì lượng nước tự nhiên.
Bên cạnh đó, Quảng Ngãi cần phải tính toán như thế nào để quy hoạch phát triển đô thị đảo, phát triển các ngành nghề khác như: phát triển nghề cá, hậu cần nghề cá.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Lý Sơn phải làm sao để trở thành bảo tàng sống, sinh động về chủ quyền quốc gia, cho nên phải làm sống lại Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, phải có hạm đội tàu đi đánh cá hiện đại để phát triển kinh tế biển.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng đã tập trung thảo luận một số vấn đề quan trọng ở Lý Sơn như tiềm năng về ngư nghiệp, phát triển du lịch, sản phẩm du lịch; quan điểm phát triển Lý Sơn trong tình hình mới; tầm nhìn cũng như mục tiêu phát triển. Theo đó, các đại biểu đã thảo luận, đưa ra một số ý kiến, gợi mở được nhiều vấn đề như khai thác du lịch ở Lý Sơn gắn liền với du lịch lịch sử, du lịch tâm linh và du lịch sinh thái biển đảo; tính toán quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế Lý Sơn một cách chi tiết và cụ thể; phương án mở rộng đất bằng biện pháp lấp biển như thế nào.
Các đại biểu cũng đưa ra một số giải pháp trong mục tiêu phát triển huyện đảo gồm các giải pháp tạo sinh kế, đảm bảo cuộc sống cho người dân trên đảo; giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, để Lý Sơn phát triển thì phải xây dựng các giải pháp, chính sách ưu đãi vượt tầm, mang tính đột phá xứng đáng với vị thế chiến lược đặc biệt quan trọng của Lý Sơn.
Lý Sơn phát triển kinh tế mạnh như thế nào cũng phải cho tương xứng, xứng đáng với vai trò biểu tượng Quốc gia về chủ quyền, về lãnh thổ, biểu tượng của đất nước Việt Nam vươn khơi.
Hiện Lý Sơn đang đứng trước nhiều thách thức lớn như nền kinh tế lạc hậu, dịch vụ du lịch, hậu cần nghề cá yếu, thách thức về hiện tượng nước biển dâng, hạ tầng cơ sở thấp.
Do vậy Chính phủ phải cho phép những cơ chế vượt trội để thu hút đầu tư. Trước mắt Chính phủ phải đầu tư ban đầu, đi tiên phong để tạo tiền đề thu hút các nhà đầu tư khác đến.
Bên cạnh đó, Lý Sơn cũng cần phải mở rộng diện tích đất bằng việc vừa lấn biển, vừa phải xây dựng các giải pháp để hạn chế hiện tượng nước biển dâng. Chính phủ và lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cần phải tính toán phương án cấp nước ngọt, nước sinh hoạt lâu dài cho người dân trên đảo; xây dựng phương án thu hút cũng như chọn lựa những nhà đầu tư phù hợp, chất lượng (hay còn gọi là nhà đầu tư chiến lược).
Còn ông Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng Lý Sơn cần có đội tàu cá mạnh, thường xuyên có mặt ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa; phát triển hơn nữa nghề đánh bắt cá xa bờ. Đặc biệt, tỉnh phải xác định phát triển du lịch Lý Sơn là gắn với việc giáo dục tư tưởng chính trị, lịch sử cho người dân, du lịch là gắn với lòng yêu nước của mỗi người dân Việt Nam.
Giáo sư-tiến sỹ Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, để tiếp tục thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 nói chung và Lý Sơn nói riêng, tỉnh Quảng Ngãi cần chú trụng phát triển các ngành công nghiệp dầu khí, đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá, kinh tế hàng hải và du lịch biển, đảo. Phát triển Lý Sơn mạnh về kinh tế, vững chắc về an ninh quốc phòng, Chính phủ cần có tầm nhìn dài hạn, quy hoạch cụ thể đồng thời phải xây dựng những kế hoạch trước mắt cần làm ngay.
Trước mắt, tỉnh Quảng Ngãi cần trả lại cho Lý Sơn những gì đã có và bị mất đi, đó là hệ thống rừng, hệ thống bãi rạn san hô, nghề nuôi trồng thủy sản. Tỉnh nên lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm năng về tài chính và có tâm huyết với đất nước để họ có thể đầu tư vào Lý Sơn./.