Cần môi trường kinh doanh bình đẳng trong kinh doanh xăng dầu

Các doanh nghiệp kiến nghị không nên vội vã ban hành Nghị định về kinh doanh xăng dầu (sửa đổi) mà cần tiếp thu ý kiến của các thương nhân đầu mối, phân phối và các hệ thống bán lẻ.
Cần môi trường kinh doanh bình đẳng trong kinh doanh xăng dầu ảnh 1Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu,” do VCCI phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức, ngày 14/2. (Ảnh: Vietnam+)

"Mệnh lệnh hành chính trong hoạt động kinh doanh xăng dầu chỉ là giải pháp tình thế, do đó quá trình xây dựng dự thảo Nghị định (sửa đổi) ban soạn thảo cần nhất quán quan điểm về tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, công khai và minh bạch."

Đây là nội dung được ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh tại Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu,” do VCCI phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức, ngày 14/2.

Doanh nghiệp bán lẻ "than" bị mắc kẹt

Ông Đậu Anh Tuấn cho hay dự thảo Nghị định sửa đổi do Bộ Công Thương soạn thảo rất rõ ràng và thẳng thắn. Tuy nhiên, Nghị định có tác động lớn đến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp đang sử dụng nguồn cung xăng dầu cũng như đời sống người dân. Do vậy, hội thảo đã nhận được đăng ký phát biểu đóng góp ý kiến từ hơn 300 đại biểu của doanh nghiệp.

Tại hội thảo, ông Hà Thanh Tùng, Công ty Thương mại Xăng dầu Hà Giang, cho rằng trước tiên cần phải công nhận "sự tồn tại" của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, để từ đó đưa ra các giải pháp giúp các doanh nghiệp bán lẻ có quyền và nghĩa vụ bình đẳng như các thương nhân phân phối (nhằm đảm bảo sự công bằng).

[Trên 98% cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở TP.HCM vẫn duy trì hoạt động]

Ông Tùng chia sẻ xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Do đó, doanh nghiệp có lời hay thua lỗ vẫn phải bán hàng và muốn ngừng bán phải có lý do chính đáng, nếu không sẽ bị phạt.

Theo quy định, các doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng ở một nơi sau khi ký hợp đồng, vì vậy có thể sẽ bị chèn ép và nhà phân phối cho chiết khấu bao nhiêu cũng phải nhận. Bởi vậy, các doanh nghiệp bán lẻ đang bị kẹt và mọi sự cạnh tranh bị triệt tiêu.

Trong khi đó, doanh nghiệp phân phối nhập hàng về để bán buôn song vẫn có các cửa hàng của mình, cạnh tranh với doanh nghiệp bán lẻ. Vậy nên, ông Tùng kiến nghị ban soạn thảo cần ghi nhận lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức trong khâu bán lẻ một cách hợp lý, để đảm bảo không có sự phân biệt đối xử.

Cần môi trường kinh doanh bình đẳng trong kinh doanh xăng dầu ảnh 2Chi phí lưu thông trong công thức tính giá cơ sở cần phải được chia rõ phần phí phí và lợi ích ở cả 3 khâu doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ. (Ảnh: TTXVN)

Ngoài ra, ông Tùng đề xuất quy định mới cho phép các doanh nghiệp bán lẻ có quyền tự do kinh doanh theo Luật Thương mại (như cho phép mua hàng từ nhiều nguồn, nếu quy định thì thấp nhất có thể là từ 3 nơi).

Đồng tình với những đề xuất trên, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty Bội Ngọc cho rằng cần phải quy định chiết khấu tối thiểu và xem đây là công cụ để giúp cho doanh nghiệp bán lẻ hoạt động trong mọi tình huống biến động của giá dầu trên thị trường thế giới.

Theo ông Giang Chấn Tây, chi phí lưu thông trong công thức tính giá cơ sở cần phải được chia rõ phần phí phí và lợi ích ở cả 3 khâu (doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ). Hiện nay, chi phí lưu thông chung là 1.350 đồng/lít xăng (gồm có lợi nhuận định mức là 300 đồng và 1.050 đồng chi phí lưu thông trên lít xăng).

“Nghị định trước đó không quy định rõ tỷ lệ vì vậy doanh nghiệp đầu mối hưởng hết khoản chiết khấu khi họ bị lỗ và khi kinh doanh có lãi, họ lại dùng để bù vào lỗ của chu kỳ trước. Tôi đề nghị phân chia rõ tỷ lệ ở các khâu về chi phí lưu thông định mức và riêng khâu bán lẻ là cộng thêm 5%/giá bán thời điểm tương đương với 1.180 đồng/lít theo giá hiện nay,” ông Chấn Tây nói.

Cần học tập kinh nghiệm điều hành của các nước

Tại hội thảo, nhóm doanh nghiệp phân phối xăng đầu cho biết việc khan hiếm xăng dầu trên thị trường thời gian qua là do giá dầu thế giới có nhiều biến động, các thương nhân đầu mối nhập xăng dầu với giá cao, nhưng giá bán lẻ lại do Nhà nước quy định.

Trên thực tế, việc khống chế việc mua xăng dầu của thương nhân phân phối sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tạo nguồn, chủ động nguồn cung và chưa đảm bảo tính cạnh tranh… Ngoài ra còn phát sinh thêm các hệ lụy không đáng có như lãng phí kho bãi (các thương nhân phân phối sẽ tập trung ký hợp đồng với các đầu mối có kho cảng đầu nguồn lớn đồng thời làm tăng chi phí vận chuyển cho những cửa hàng, đại lý ở vùng sâu vùng xa).

Thêm vào đó, điều này cũng làm mất đi tính cạnh tranh công bằng và bình đẳng. Bởi ba đầu mối không bảo đảm được nguồn hàng hóa sẽ khiến hệ thống đại lý của thương nhân phân phối bị đứt gãy, mà kết quả là tạo ra việc khan hiếm xăng dầu “không đáng có” như trong thị trường kinh doanh xăng dầu như hiện nay.

Đại diện nhóm thương nhân phân phối, ông Văn Tấn Phụng, Tổng giám đốc Công ty Thương mại dầu khí Đồng Nai kiến nghị cơ quan soạn thảo Nghị định tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và các hệ thống bán lẻ).

Ông cho rằng trước mắt cần thực hiện các quy định hiện hành trong hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng dầu, đảm bảo ổn định kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, như: Giữ nguyên quy định thương nhân phân phối xăng dầu “Được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu khác theo Hợp đồng mua bán xăng dầu” (theo Nghị định 95/); giữ nguyên quy định thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá” và không dời ngày điều hành giá khi rơi vào các ngày nghỉ (theo Nghị định 83

Bên cạnh đó, ông Phụng đề xuất kéo dài thời gian sửa đổi bổ sung Nghị định, để tiến hành nghiên cứu, học kinh nghiệm điều hành kinh doanh xăng dầu của các nước, nhất là các nước có điều kiện tương tự như Việt Nam cũng như lấy ý kiến các doanh nghiệp một cách rộng rãi để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

“Nghị định quy định về kinh doanh xăng dầu phải đảm bảo được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, phục vụ cho sản xuất, đời sống, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và người tiêu dùng,” ông Phụng nhấn mạnh./.

(Vietanm+)

Tin cùng chuyên mục