Cao Bằng: Dừng hoạt động tất cả các trạm kiểm soát y tế liên ngành

Các chốt liên ngành trên những tuyến giao thông cửa ngõ trọng yếu ra vào tỉnh đã góp phần quan trọng cho công tác kiểm soát dịch bệnh trước khi địa phương bao phủ vaccine cho người dân.
Cao Bằng: Dừng hoạt động tất cả các trạm kiểm soát y tế liên ngành ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 5/3, tất cả các trạm kiểm soát y tế liên ngành phòng, chống dịch COVID-19 trên các tuyến giao thông cửa ngõ vào tỉnh Cao Bằng dừng hoạt động.

Cụ thể, các Trạm kiểm soát dịch COVID-19 tại Quốc lộ 34, Quốc lộ 4C (huyện Bảo Lâm), đường Tỉnh 212 (huyện Nguyên Bình), trục đường tỉnh 209 (xã Quang Trung, huyện Thạch An) và Trạm kiểm soát dịch COVID-19 tại Keng Pẻn, thôn Bản Mới, xã Đức Long, huyện Thạch An… sẽ chấm dứt hoạt động theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng.

Trước đó, khi hầu hết các tỉnh đã dỡ các chốt, trạm kiểm soát y tế liên ngành phòng dịch COVID-19 thì tỉnh Cao Bằng vẫn tiếp tục duy trì 7 chốt, trạm từ giữa năm 2021 đến nay.

Các chốt liên ngành trên những tuyến giao thông cửa ngõ trọng yếu ra vào tỉnh đã góp phần quan trọng cho công tác kiểm soát dịch bệnh trước khi địa phương bao phủ vaccine cho người dân.

[F0 tăng mạnh, thành phố Cao Bằng xem xét nâng cấp độ dịch]

Các chốt đã kịp thời phát hiện, rà soát, phân loại từng nhóm công dân ở các vùng nguy cơ lây nhiễm cao từ các tỉnh, thành phố vào Cao Bằng để có phương án tiếp nhận, cách ly theo quy định.

Liên quan đến tình hình dịch COVID-19, những ngày qua, Cao Bằng ghi nhận số ca nhiễm tăng cao. Đến ngày 4/3, toàn tỉnh có hơn 19.300 ca mắc COVID-19, trong đó có 23 ca tử vong.

Ngày 3/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng đã có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp trong tình hình dịch COVID-19 tiếp tục tăng cao.

Tại công văn này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng yêu cầu những trường hợp mắc COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ (vẫn xử lý được công việc) tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao bằng hình thức trực tuyến, không để công việc bị tồn đọng.

Trường hợp người mắc COVID-19 không có khả năng xử lý công việc thì lãnh đạo, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phân công người khác xử lý phần công việc của người mắc COVID-19, không để công việc bị tồn, chậm giải quyết.

Tỉnh cũng yêu cầu không tập trung đông người để ăn uống; không tập trung đông người khi không cần thiết tại các cơ quan, đơn vị; áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Thông điệp 5K của Bộ Y tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục