Cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn: Xẻ đồi làm đường, thông tuyến cuối 2019

Dự án đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn có chiều dài gần 64km được tái khởi động vào tháng 6/2017 và được chốt thông tuyến vào cuối năm 2019.
Cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn: Xẻ đồi làm đường, thông tuyến cuối 2019 ảnh 1Dự án đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn được chốt thông tuyến vào cuối năm 2019. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Dự án đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn có chiều dài gần 64km được tái khởi động vào tháng 6/2017 vừa qua sau 2 năm bị đình trệ vì chưa thu xếp được nguồn vốn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chủ đầu tư và nhà thầu đã huy động nhân công, máy móc thiết bị hiện đại và tăng ca liên tục để thúc tiến độ công trình, đảm bảo hoàn thành vào cuối tháng 12/2019 theo đúng tiến độ đề ra.

Xẻ đồi làm nền đường cao tốc

Dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn nằm trong quy hoạch của đường cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn nối từ Thủ đô Hà Nội tới Cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) và kết nối với tuyến cao tốc quốc tế Hữu Nghị-Nam Ninh (Trung Quốc) của Hành lang kinh tế giao thương Việt Nam-Trung Quốc. Tuyến cao tốc này hình thành sẽ góp phần quan trọng giảm ách tách giao thông thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương trong khu vực.

[Gỡ nút thắt vốn, cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn tái khởi động]

Theo báo cáo của Công ty cổ phần BOT Bắc Giang-Lạng Sơn, tiến độ giải phóng mặt bằng hoàn thành tháng 12/2017. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng của tỉnh Bắc Giang hoàn thành 14,2/20,8km (đạt 68%), Lạng Sơn được 31,2/43,4km (đạt 72%). Các đoạn đã bàn giao còn vướng mắc một nhà dân, đường điện và cáp thông tin chưa di dời gây khó khăn cho các nhà thầu triển khai thi công.

Đối với huyện Chi Lăng có địa hình phức tạp, tuyến đi qua nhiều khu vực dân cư, nhiều hộ mất hết đất không thể tái định cư tại chỗ dẫn đến khó khăn trong việc di dời.

Hiện nay, khối lượng tiến độ tổng thể dự án đạt 24,2% và các nhà thầu đang đẩy nhanh triển khai thi công để đảm bảo tiến độ gói thầu. Mặc dù các huyện Hữu Lũng và Chi Lăng đã đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tuy nhiên vẫn không đáp ứng được theo kế hoạch cho các nhà thầu đẩy nhanh thi công.

Theo yêu cầu của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn, mặt bằng toàn tuyến dự án sẽ hoàn thành bàn giao cho chủ đầu tư, nhà thầu vào 31/12/2017 để các nhà thầu có thể thi công đồng bộ toàn tuyến.

Dù chỉ còn vài ngày nữa đến Tết Dương lịch, những chiếc máy lu, mãi rải hoạt động hết công suất trên công trường thi công cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn. Nền đường được đắp cao, lu nèn. Nhiều đoạn tuyến đã được rải lớp base (móng mặt), vật liệu cấp phối được san gạt đều, rồi lu nèn chặt, mặt đường phẳng, nhẵn như đã được rải bê tông nhựa.

Đảm nhận 3 gói thầu của dự án với chiều dài hơn 7km, ông Nguyễn Quốc Anh, Đội trưởng Đội thi công số 2 Công ty Cổ phần Thương mại và xây dựng Hoàng Long-Hà Tĩnh cho biết, hình hài tuyến đường này được thiết kế song song với tuyến đường Quốc lộ 1 và đi qua khu vực dân cư, vùng trồng đất nông nghiệp, địa hình núi thấp và đồi nhằm giảm chi phí giải phóng mặt bằng cho dự án.

Do đó, để có thể thi công được phần nền, Công ty đã triển khai nhiều mũi thi công, sử dụng mát xúc, máy cẩu xẻ đồi tạo nền đường. Chưa kể, một số vị trí nền trũng sâu, đơn vị phải đắp đất nền mặt đường cao tới 17m.

“Mặt bằng chính tuyến do đơn vị phụ trách còn vướng 2km chưa được bàn giao. Nếu chậm bàn giao mặt bằng chắc chắn tiến độ sẽ bị ảnh hưởng. Với những đoạn tuyến đang thi công, có mặt bằng đến đâu, thi công ngay đến đó nên tiến độ nền đường đạt được khối lượng 16%, vẫn đang bám sát và vượt yêu cầu đề ra. Công ty phấn đấu bàn giao phần nền vào tháng 6/2018 để các đơn vị khác triển khai thảm lớp mặt đường,” ông Quốc Anh cho hay.

Là một trong những nhà thầu lớn nhất tại dự án khi thực hiện 4 gói thầu nền đường dài 17km và thảm nhựa 50km mặt đường, ông Đào Văn Tuấn, Giám đốc Ban điều hành dự án của Công ty Cổ phần Licogi 16 cho biết, đến này đơn vị đã thực hiện được 35% khối lượng, vượt tiến độ khoảng 10%.

Ngoài việc thi công 3 ca liên tục, nhân lực huy động khoảng 200 người và khoảng 70 đầu xe, máy, thiết bị, theo ông Tuấn, các gói thầu vượt tiến độ bởi dự án này có điều kiện địa chất tốt, đa phần trên tuyến không phải xử lý nền đất yếu, cùng với hỗ trợ của chính quyền địa phương, các đơn vị tư vấn và quyết tâm của chủ đầu tư, nhà thầu phấn đấu dự án về đích vào tháng 12/2019.

Nối thêm đoạn tuyến Hữu Nghị-Chi Lăng

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn và Hữu Nghị-Chi Lăng phải hoàn thành trong năm 2020 để bảo đảm khai thác đồng bộ toàn tuyến. Tuy nhiên, dự án Hữu Nghị-Chi Lăng chưa thể triển khai thi công do gặp nhiều vướng mắc về nguồn vốn.

Trước đó, từ năm 2008, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã viện trợ kinh phí để thực hiện công tác báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế tài chính trong nước cụ thể đối với nguồn vay ADB này.

Cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn: Xẻ đồi làm đường, thông tuyến cuối 2019 ảnh 2Nhà thầu huy động nhân công, thiết bị máy móc nhằm đẩy tiến độ về đích đúng hẹn. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Sau đó, Bộ Tài chính kiến nghị trong bối cảnh nợ công tăng cao, việc có nhà đầu tư thực hiện dự án sẽ giảm vay nước ngoài của Chính phủ mà vẫn huy động nguồn lực để thực hiện dự án. Nếu lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, Bộ này đề nghị không sử dụng vốn vay ADB cho dự án.

Phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cảnh báo, trường hợp dự án được chấp thuận cơ chế tài chính vay vốn ADB trong tháng 12/2017 sẽ có thể đàm phán Hiệp định vay vốn và hoàn thành ký Hiệp định vào quý 3/2018, hoàn chỉnh thiết kế kỹ thuật, đấu thầu xây lắp và triển khai thi công dự kiến vào quý 3/2019, hoàn thành công trình sớm nhất vào năm 2022. Như vậy, đoạn cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng sẽ không đáp ứng được theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo hoàn thành đồng bộ tuyến cao tốc Hà Nội-Chi Lăng-Hữu Nghị trong năm 2020.

[Cao tốc Chi Lăng-Hữu Nghị chờ được gộp vào dự án Bắc Giang-Lạng Sơn]

Mặc khác, trong trường hợp dự án cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng không thể về đích theo đúng kế hoạch, đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn sẽ không phát huy hết hiệu quả. Chưa kể, phương án tài chính dự án có thể đổ vỡ.

Đầu tháng 12 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh, bổ sung đoạn của khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng vào dự án BOT Bắc Giang-Lạng Sơn để triển khai theo hình thức hợp đồng BOT, bảo đảm nối thông toàn tuyến và thu phí chung toàn bộ tuyến đường cao tốc, kết hợp với việc thu phí Quốc lộ 1 sau khi Công ty cổ phần BOT Bắc Giang-Lạng Sơn hoàn thành việc tăng cường mặt đường dài tới 110km.

Phương án này được Bộ Giao thông Vận tải đánh giá tiến độ triển khai nhanh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Phía nhà đầu tư cũng đảm bảo được phương án tài chính đồng thời ngân hàng Vietinbank cam kết tiếp tục cho vay vốn triển khai dự án.

Với năng lực thi công thực tế tại công trình Bắc Giang-Lạng Sơn, Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang-Lạng Sơn khẳng định hoàn toàn có đủ khả năng đảm nhận thực hiện toàn tuyến cao tốc từ Bắc Giang đến cửa khẩu Hữu Nghị.

“Nếu được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng dự kiến tiến độ triển khai tổng thể dự án, đề nghị ngân hàng Vietinbank hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh việc cấp tín dụng và tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để đảm bảo đồng bộ dự án cao tốc Bắc Giang-Chi Lăng-cửa khẩu Hữu Nghị trong năm 2020,” Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục