Chỉ số Nasdaq Composite tuần qua tăng mạnh nhất kể từ tháng Một

Các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên 17/3 khi lại có những lo ngại về sự ổn định của lĩnh vực ngân hàng và số liệu cho thấy các ngân hàng đã vay 165 tỷ USD từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Chỉ số Nasdaq Composite tuần qua tăng mạnh nhất kể từ tháng Một ảnh 1Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Dow Jones Market Data, trong cả tuần, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite của thị trường chứng khoán Phố Wall tăng 4,4%.

Mức tăng của chỉ số Nasdaq Composite trong tuần qua là mạnh nhất kể từ tháng Một.

Cũng trong tuần qua, chỉ số Dow Jones giảm 0,1% còn chỉ số S&P 500 tăng 1,4%.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên 17/3, khi lại có những lo ngại về sự ổn định của lĩnh vực ngân hàng, sau khi SVB Financial Group, công ty mẹ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), nộp đơn xin bảo hộ phá sản và số liệu cho thấy các ngân hàng đã vay 165 tỷ USD từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần qua.

Chỉ số Dow Jones chốt phiên cuối tuần giảm 384,57 điểm, hay 1,2%, xuống 31.861,98 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 43,64 điểm, hay 1,1%, xuống 3.916,64 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 86,76 điểm, hay 0,7%, xuống 11.630,51 điểm, sau bốn phiên tăng.

Chứng khoán Mỹ tăng điểm phiên 16/3, sau khi một liên minh các ngân hàng tư nhân Mỹ thông báo gói cứu trợ trị giá 30 tỷ USD cho ngân hàng First Republic. Chỉ số Dow Jones tăng 1,2% lên 32.246,55 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 1,8% lên 3.960,28 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite tăng 2,5% lên 11.717,28 điểm.

Trong phiên 15/3, chỉ số Dow Jones giảm 0,9% xuống 31.874,57 điểm, còn chỉ số S&P 500 để mất 0,7% xuống 3.891,93 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite lại tăng 0,1% lên 11.434,05 điểm.

Thị trường phục hồi trong phiên 14/3, khi những lo ngại về ngành ngân hàng giảm bớt phần nào. Chỉ số Dow Jones tăng 1,1%, lên 32.155,40 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,7% lên 3.920,56 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite tiến 2,1% và khép phiên ở mức 11.428,15 điểm.

[Thị trường có những diễn biến trái ngược sau vụ ngân hàng SVB sụp đổ]

Trong phiên giao dịch đầy biến động ngày 13/3, các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều, trong bối cảnh nhiều cổ phiếu ngân hàng tiếp tục bị bán tháo mạnh mẽ trước lo ngại về khả năng xảy ra hiệu ứng dây chuyền từ vụ phá sản của SVB. Khép lại phiên này, chỉ số Dow Jones giảm 0,3% xuống 31.819,14 điểm. Chỉ số S&P 500 để mất 0,2% xuống 3.855,76 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite ghi thêm 0,5% lên 11.188,84 điểm.

Theo người phụ trách chiến lược đầu tư toàn cầu tại Viện nghiên cứu đầu tư Wells Fargo Investment Institute, Paul Christopher, các thị trường trồi sụt trong tuần qua, do những lo ngại về tác động từ những căng thẳng của hệ thống ngân hàng đến nền kinh tế.

Những lo ngại về khả năng ứng phó của lĩnh vực ngân hàng trước tình trạng rút tiền gửi lại nổi lên sau khi SVB Financial Group sáng 17/3 thông báo nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 của Luật bảo hộ phá sản.

Trước đó, vào ngày 16/3, First Republic Bank thông báo sẽ nhận được 30 tỷ USD tiền gửi không bảo hiểm của một nhóm các ngân hàng lớn của Mỹ, trong đó có JPMorgan Chase & Co., Citigroup Inc., Bank of America Corp. và Wells Fargo & Co.

Trong khi đó, Fed công bố số liệu vào chiều 16/3 cho thấy các ngân hàng đã vay tổng cộng 165 tỷ USD từ Fed. Phần lớn trong số tiền này được cấp qua cơ chế chiết khấu của Fed./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục