Chỉ số Nasdaq Composite và S&P 500 tăng điểm tuần thứ ba liên tiếp

Hầu hết các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên 5/8 giảm, sau khi báo cáo việc làm mạnh hơn dự kiến đã làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục tăng lãi suất trong nỗ lực kiềm chế lạm phát.
Chỉ số Nasdaq Composite và S&P 500 tăng điểm tuần thứ ba liên tiếp ảnh 1Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chỉ số Nasdaq Composite và S&P 500 cùng giảm trong phiên cuối tuần 5/8, nhưng tăng nếu tính trong cả tuần qua.

Hầu hết các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên 5/8 giảm, sau khi báo cáo việc làm mạnh hơn dự kiến đã làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất trong nỗ lực kiềm chế lạm phát.

Chỉ số Dow Jones tăng 76,65 điểm, hay 0,23%, lên 32.803,47 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,75 điểm, hay 0,16%, xuống 4.145,19 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 63,03 điểm, hay 0,5%, xuống 12.657,55 điểm.

Số liệu chính thức công bố ngày 5/8 cho thấy thị trường việc làm tại Mỹ đã có thêm tín hiệu tích cực trong tháng 7/2022 khi nền kinh tế bất ngờ bổ sung thêm 528.000 vị trí việc làm, xua tan mọi đồn đoán về sự sụt giảm và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,5%, mức thấp nhất kể từ cuối những năm 1960.

Giám đốc đầu tư của Plante Moran Financial Advisors, Jim Baird, cho rằng báo cáo việc làm mới là cơ sở để thị trường nhận định Fed có thể sẽ tăng lãi suất 75 điểm cơ bản tại cuộc họp vào tháng Chín.

Một số nhà phân tích cho rằng số liệu việc làm mới cho thấy nền kinh tế có thể sẽ không rơi vào suy thoái khi Fed đẩy mạnh việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

Trong khi đó, việc giá hàng hóa, trong đó có dầu mỏ, giảm đã đưa đến nhận định lạm phát có thể đã gần đạt đỉnh.

Tuy nhiên, báo cáo việc làm hàng tháng thường có độ trễ. Vấn đề hiện nay là tốc độ tuyển dụng lao động cao có tiếp tục khi nhiều công ty lớn và nhỏ gần đây đã bắt đầu hạn chế tuyển dụng hay thậm chí là sa thải lao động.

Chỉ số giá tiêu dùng được công bố trong tuần tới sẽ có tác động lớn hơn đến chính sách của Fed, khi chống lạm phát là ưu tiên chính.

Phiên 4/8, các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ biến động trái chiều trong bối cảnh thị trường chờ đợi số liệu về thị trường lao động Mỹ và thông báo tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh.

Chốt phiên này, chỉ số Dow Jones giảm 0,3% xuống 32.726,82 điểm trong khi chỉ số S&P 500 giảm 0,1% xuống 4.151,94 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,4% lên 12.720,58 điểm.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng cao trong phiên 3/8 sau hai phiên giảm trước đó, nhờ số liệu về ngành dịch vụ tốt hơn kỳ vọng và nhiều doanh nghiệp công bố báo cáo lợi nhuận quý 2 khả quan. Khép lại phiên này, chỉ số Dow Jones tăng 1,3% lên 32.812,50 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 1,6% lên 4.155,17 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq tăng 2,6% lên 12.668,16 điểm.

[Chứng khoán châu Á kết thúc tuần giao dịch trong "nốt thăng"]

Trước đó, trong phiên 2/8, chủ yếu do hoạt động bán tháo giữa lúc căng thẳng Trung - Mỹ leo thang cùng những bình luận “diều hâu” từ các quan chức Fed, chỉ số Dow Jones giảm tới 1,2% xuống 32.396,17 điểm, chỉ số S&P 500 sụt mất 0,7% xuống 4.091,19 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite để mất 0,2% và khép phiên ở mức 15.163,11 điểm.

Chứng khoán Mỹ giảm nhẹ trong phiên 1/8, khi sự sụt giảm của Exxon Mobil và nhiều công ty năng lượng khác đã lấn án sự khởi sắc của Boeing. Khép lại phiên này, chỉ số S&P 500 giảm 0,28% xuống 4.118,59 điểm, chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,18% xuống 12.368,98 điểm, còn chỉ số Dow Jones để mất 0,14% và đóng phiên ở mức 32.798,60 điểm.   

Theo số liệu của FactSet, trong cả tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,1%, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 0,4% và chỉ số Nasdaq Composite tăng 2,2%.

Theo Dow Jones Market Data, chỉ số Nasdaq Composite và S&P 500 đều tăng tuần thứ ba liên tiếp, trong khi chỉ số giảm sau hai tuần tăng liên tiếp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục