Chiến lược "không ca nhiễm" ở New Zealand, Australia có hiệu quả?

Số ca nhiễm tại Australia và New Zealand liên tục ghi nhận những mốc cao mới, cùng với sự xuất hiện của biến thể Delta, đang khiến hai quốc gia này phải nghĩ lại về cách tiếp cận "zero COVID."
Chiến lược "không ca nhiễm" ở New Zealand, Australia có hiệu quả? ảnh 1Cảnh vắng vẻ tại một tuyến phố ở Auckland (New Zealand) khi lệnh phong tỏa được áp dụng để phòng chống dịch COVID-19, ngày 18/8/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong phần lớn thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, Australia và New Zealand đã được ca ngợi thành công với chiến lược "zero COVID" (không có ca nhiễm), theo đó ngăn chặn để không có ca lây nhiễm trong cộng đồng thông qua các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao đang khiến hai nước phải nghĩ lại về cách tiếp cận này, khi số ca nhiễm liên tục ghi nhận những mốc cao mới bất chấp nhiều tuần phong tỏa nghiêm ngặt.

Đợt bùng phát hiện nay xảy ra tại Australia từ ngày 16/6, khi một tài xế tại Sydney chở phi hành đoàn quốc tế được xác nhận dương tính với virus. Khi số ca nhiễm biến thể Delta lan rộng, thành phố lớn nhất Australia này đã áp đặt phong tỏa.

Kể từ đó, phong tỏa đã được áp dụng rộng ra toàn bang New South Wales và hai vùng khác là Vùng Thủ đô và bang Victoria. Nhưng các biện pháp phong tỏa và truy vết tiếp xúc mà Australia áp dụng cho đến nay không chặn được đà lây lan virus.

Bang New South Wales hiện đã ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất cả nước, lên tới hơn 1.000 ca mới mỗi ngày bất chấp nhiều tháng phong tỏa. Phong tỏa cũng không giúp giảm số ca nhiễm tại bang Victoria ở phía Nam.

Tình hình dịch bệnh xấu đi ở khu vực Đông Nam Australia khiến Thủ tướng Scott Morrison tháng Tám vừa qua đã phải thừa nhận rằng “rất ít khả năng” nước này sẽ trở lại trạng thái không ca nhiễm trong cộng đồng.

Nhà chức trách đang buộc phải từ bỏ chiến lược "zero COVID" và thay vào đó trở lại tiêm vaccine ngừa bệnh, coi đó con đường để tiến tới được đi lại tự do. Tuy nhiên, điều này đã gây tranh cãi giữa các nhà lãnh đạo trung ương và địa phương.

Một số lãnh đạo chủ trương không có ca nhiễm trong cộng đồng địa phương mình nay rút lại cam kết mở cửa trở lại khi có 70-80% người trưởng thành được tiêm phòng.

[Thế giới tìm cách sống chung với dịch bệnh khi "zero COVID khó xảy ra"]

Cuối tháng trước, bình luận trên mạng xã hội, Thống đốc bang Tây Australia Mark McGowan viết: “Ý tưởng vội vã quyết định nhập khẩu virus... là hoàn toàn điên rồ.”

Tiến độ tiêm vaccine chậm chạp ở bang này, cùng với việc ông McGowan tỏ ý định tiếp tục đóng cửa bang Tây Australia sau khi tỷ lệ tiêm phòng ở bang này đạt mức đã thống nhất trên cả nước khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu bang này sẽ tiếp tục đóng cửa với phần còn lại của đất nước trong bao lâu.

Bên kia biển Tasman, tại New Zealand, sau khi phát hiện một ca nhiễm COVID-19 ở thành phố Auckland lớn nhất nước, các biện pháp hạn chế ở mức cao nhất đã được áp dụng đối với toàn bộ 5 triệu dân ở thành phố này từ ngày 17/8.

Theo chiến lược "zero COVID" của New Zealand, toàn bộ trường học và doanh nghiệp phải đóng cửa, trừ những đơn vị cung cấp hàng thiết yếu như siêu thị và hiệu thuốc. Nhưng số ca nhiễm tiếp tục tăng.

Chiến lược "không ca nhiễm" ở New Zealand, Australia có hiệu quả? ảnh 2Bảng khuyến cáo người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Sydney (Australia). (Ảnh: THX/TTXVN)

Khác với Australia, nhà chức trách New Zealand đến nay vẫn theo đuổi chiến lược này. Thủ tướng Jacinda Ardern khẳng định "đây vẫn là chiến lược tốt nhất.”

Chiến lược này cũng được các nhà khoa học New Zealand ủng hộ. Chuyên gia vi sinh vật học và là Giáo sư tại Đại học Auckland, bà Siouxsie Wiles cho biết: "Chỉ cần nhìn vào những gì đang xảy ra tại các nước khác, có thể thấy đó hoàn toàn là quyết định đúng."

Giáo sư Wiles phản đối việc New Zealand làm theo cách của Australia chuyển trọng tâm từ ngăn chặn ca nhiễm sang giảm số ca nhập viện vì biến thể Delta.

Trong khi New Zealand đường như đã thoát khỏi đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất, làn sóng gần đây đã làm dấy lên tranh cãi về việc chiến lược "zero COVID" sẽ được nước này theo đuổi đến khi nào.

Phát biểu trên chương trình truyền hình hỏi đáp ngày 22/8 vừa qua, Bộ trưởng Ứng phó với COVID-19 của New Zealand, ông Chris Hipkins thừa nhận biến thể Delta đặt ra “những câu hỏi lớn” về cách ứng phó với đại dịch của nước này.

Đặt ra câu hỏi về sự phù hợp của các biện pháp hiện hành nhằm ngăn chặn dịch tại New Zealand, ông nói: “Đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ phải bắt đầu mở cửa hơn.”

Giáo sư Helen Petousis-Harris tại Đại học Auckland, một chuyên gia về vaccine, cũng đồng ý với quan điểm trên. Bà cho biết New Zealand sẽ phải “từ bỏ sự bao bọc mà chúng ta được hưởng quá lâu,” ý nói sự an toàn và an ninh mà người dân nước này được hưởng ở nơi không có COVID-19.

Trong khi cuộc tranh luận đang diễn ra, New Zealand hiện đã tập trung vào tăng cường tiêm phòng nhằm nhanh chóng thoát khỏi đại dịch.

Tuy nhiên, đến nay, nhà chức trách chưa nêu rõ tỷ lệ tiêm chủng cần thiết để mở cửa biên giới trở lại. Bà Petousis-Harris cho rằng cần đặt mục tiêu thực sự cao, khoảng 80-85%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục