Theo một báo cáo mới công bố của Viện Tài chính Quốc tế (IIF, Mỹ), tình trạng mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể được giải quyết thông qua việc tăng cường đầu tư và thương mại hơn là một cuộc chiến thương mại.
Báo cáo cho biết thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ đã giảm trong thập niên qua (2006-2016), từ 837 tỷ USD xuống 753 tỷ USD một năm, hay từ 6% GDP xuống 4% GDP. Đặc biệt, nhờ thặng dư thương mại dịch vụ, tổng thâm hụt thương mại của Mỹ chỉ còn ở mức tương đương 2,7% GDP trong năm 2016.
Theo nhà kinh tế trưởng tại Trung Quốc của IIF, Gene Ma, mức thâm hụt thương mại như vậy cùng với tỷ lệ thất nghiệp thấp (4,3%) không phải là nhân tố "ủng hộ" Mỹ thực hiện chính sách bảo hộ.
Mặc dù Trung Quốc chiếm khoảng một nửa trong mức thâm hụt thương mại của Mỹ năm 2016, bức tranh thương mại nhìn từ phía Trung Quốc có những điểm khác.
Từ năm 2007-2016, thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc giảm từ mức 10% GDP xuống 1,9% GDP, và thặng dư thương mại của nước này giảm từ 8,7% GDP xuống 2,2% GDP.
[Mỹ có thể sử dụng luật thương mại để ngăn Trung Quốc vi phạm bản quyền]
Theo báo cáo, Mỹ đã được hưởng lợi lớn từ quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Từ năm 2001-2016, nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc tăng 3,5 lần, trong khi xuất khẩu của Mỹ tới Trung Quốc tăng gần 6 lần.
Trong lĩnh vực dịch vụ, thặng dư của Mỹ với Trung Quốc gia tăng. Trong thập niên qua, xuất khẩu dịch vụ của Mỹ tới Trung Quốc tăng 5 lần và thặng dư thương mại dịch vụ tăng 40 lần, đạt 57 tỷ USD năm 2016.
Báo cáo cảnh báo, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ gây thiệt hại cho các nhà chế tạo Trung Quốc mà còn ảnh hưởng tới các nhà cung cấp và các nhà phân phối của Mỹ.
IIF khuyến nghị hai nước tăng cường phát huy các lợi thế cạnh tranh và tìm kiếm các cơ hội mới trong đầu tư và thương mại để giải quyết tình trạng mất cân bằng hiện nay./.