Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, ngày 16/5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 1, quận 3 (Thành phố Hồ Chí Minh) để lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của cử tri và giải đáp những kiến nghị của người dân gửi đến Quốc hội.
Đóng góp ý kiến với đại biểu Quốc hội, các cử tri của quận 1, quận 3 đã bày tỏ vui mừng việc Thành phố và cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhân dịp Kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và những thành tựu của đất nước qua gần 30 năm đổi mới.
Bên cạnh đó, cử tri cũng nêu ra nhiều vấn đề, ý kiến liên quan đến tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, khám chữa bệnh cho người dân; công tác xây dựng Luật của Quốc hội; cải cách hành chính, tinh giảm biên chế trong các cơ quan nhà nước; vấn đề triển khai xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành...
Cử tri Phạm Thị Nga (phường Bến Thành, quận 1) lo lắng vì tai nạn giao thông thường chỉ xảy ra dưới mặt đất, bây giờ nhiều người còn bị tai nạn giao thông từ trên trời rơi xuống như vụ sập cần cẩu ở Đồng Tháp làm chết 3 người; dự án xây dựng đường sắt trên cao ở Hà Nội thường xuyên gây ra tai nạn cho người đi đường... Các cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của các bên, xử lý nghiêm người có trách nhiệm trong vấn đề này để người dân yên tâm khi đi ra đường.
Bày tỏ sự đồng tình với chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cử tri Nguyễn Văn Bông (phường Đa Kao), Phạm Thị Nga (phường Bến Thành, quận 1) cho rằng, Dự án này đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của khu vực phía Nam và cả nước trong tương lai. Đề nghị nên xem xét, thông qua sớm để tiến hành xây dựng, qua đó rút ngắn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế của Việt Nam.
Các cử tri cũng lưu ý trong quá trình triển khai cần phải có phương án, kế hoạch chu đáo, có phương án thi công, giải phóng mặt bằng và tính toán để đảm bảo hiệu quả đầu tư, cũng như kinh tế-xã hội một cách tốt nhất.
Liên quan đến công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng XII, cử tri Hồ Quang Chính (Hội Cựu chiến binh quận 3) đánh giá cao, tin tưởng vào các tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành mà Hội nghị Trung ương lần thứ 11, khóa XI đã thông qua với 3 nhóm tiêu chí rất cụ thể, rõ ràng. Các tiêu chuẩn này cũng cần áp dụng cho Đại hội Đảng các cấp.
Bên cạnh đó, cần phải xem xét, đánh giá thật kỹ công tác lựa chọn đại biểu dự Đại hội Đảng cấp trên, phải đảm bảo tư cách người đảng viên gương mẫu, trong sáng. Vì đây là những người sẽ bỏ phiếu, đại diện cho nhân dân, đảng viên lựa chọn, quyết định bầu cấp ủy và các chức danh trong Đảng.
Quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ công nghiệp hóa của đất nước, các cử tri đề nghị các cơ quan Trung ương cần xem xét, đánh giá đúng thực trạng hiện nay, nhất là trong công tác dạy nghề. Chất lượng dạy nghề của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, đội ngũ công nhân có tay nghề hiện quá yếu và thiếu. Do đó cần phải củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả của Tổng Cục dạy nghề.
Các cử tri cũng đã tập trung góp ý nhiều nội dung liên quan đến các dự thảo Luật, triển khai Luật hiện hành và một số quy định khác có liên quan như Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng Hành chính, Luật Mặt trận (sửa đổi), Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân...
Đề cập đến công tác xây dựng luật của nước ta hiện nay, một số luật như Luật Bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm xã hội vừa có hiệu lực, thậm chí chưa áp dụng đã gây bức xúc trong nhân dân, các cử tri Lê Đình Cây (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1), Nguyễn Thị Tuyết Vân (phường Cầu Kho, quận 1), Trần Phát Lạc (phường 4, quận 3) đề nghị Chính phủ, Quốc hội cần rút kinh nghiệm và làm thật kỹ càng trước khi quyết định, tránh tình trạng vừa có hiệu lực đã phải sửa, gây tâm lý bất an trong nhân dân.
Thay mặt các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp thu và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các cử tri, đồng thời dành thời gian trả lời, giải đáp các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Khái quát về các thành tựu của đất nước sau 30 năm đổi mới, Chủ tịch nước nhấn mạnh những mặt đạt được là hết sức cơ bản và có thể khẳng định Việt Nam đã vượt qua khủng khoảng kinh tế, xã hội sau khi thực hiện đổi mới. So với thời điểm trước Đại hội VI, hiện nay diện mạo đất nước đã đạt nhiều kết quả toàn diện về mọi mặt cả về đối nội và đối ngoại theo hướng tiến bộ, mặt tồn tại ngày càng thu hẹp. Kinh tế-xã hội phát triển, đất nước đã ra khỏi các nước kém phát triển, có mức thu nhập trung bình; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Nhấn mạnh việc đánh giá về kết quả 30 năm sau đổi mới là vấn đề hệ trọng, Chủ tịch nước mong muốn trong thời gian tới đồng bào, cử tri tập trung công sức, trí tuệ góp ý, theo tinh thần "nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật, nói rõ sự thật" vào các văn kiện của Đại hội Đảng XII sắp tới. Qua đó, góp sức để Nghị quyết của Đại hội XII sáng tỏ đường đi, nước bước trong những năm tới phải nhanh hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn; đồng thời các yếu kém, tồn tại phải được khắc phục, đặc biệt là về xã hội, con người, đạo đức, nhân cách.
Chia sẻ băn khoăn của của các cử tri về việc đất nước tuy đã có những bước phát triển tốt, nhưng còn có một bộ phận không nhỏ cán bộ "hư hỏng," Chủ tịch nước cho rằng đây là câu chuyện có thật. Đảng và Nhà nước cũng đã đề cập trong rất nhiều văn kiện về "có một bộ phận không nhỏ cán bộ tha hóa, biến chất." Đây là điều rất bức xúc, vấn đề đặt ra là tiếp tục thực hiện nghiêm các chủ chương, đường lối của Đảng và Nhà nước về vấn đề này.
Chủ tịch nước đề nghị nhân dân, các đồng chí tham gia Đại hội Đảng các cấp với vai trò là đại biểu chính thức, hoặc các tổ chức góp ý vào các văn kiện cần làm đúng ý nguyện của mình, kiên quyết không bầu những cá nhân không xứng đáng vào cấp ủy.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Đây là câu chuyện của toàn Đảng phải hành động, ngoài trách nhiệm của lãnh đạo Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đảng viên của toàn Đảng phải hành xử đúng lương tâm, không nể nang, không thiên vị; đừng vì tình riêng mà lẫn lộn nghĩa vụ với Tổ quốc. Tất cả đồng bào, đồng chí cần dồn sức vào xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh."
Đề cập đến nội dung được nhiều cử tri, nhân dân quan tâm về công tác tinh gọn bộ máy nhà nước, tinh giảm biên chế, Chủ tịch nước nêu rõ: Bộ máy Nhà nước hiện nay còn rất nặng nề, không thể không cải cách và rút gọn lại. Yêu cầu đặt ra hiện nay là dứt khoát phải tinh gọn bộ máy, cả về số đầu mối và cấp phó. Vừa qua Trung ương đã họp chuyên đề về vấn đề tinh giảm biên chế, sắp tới sẽ triển khai thực hiện quyết liệt số lượng biên chế chặt chẽ hơn.
Nhất trí cao với đánh giá của các cử tri về hiệu quả của Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch nước đánh giá nhìn chung, đây là một trong những Nghị quyết của Trung ương đi vào lòng dân rất nhanh, được người dân hưởng ứng, khơi dậy được sức dân, mang lại hiệu quả rất lớn, người dân trực tiếp được hưởng và được làm chủ.
Trong bối cảnh đầu tư của Nhà nước chỉ có hạn, hiệu quả đạt được của Chương trình là rất đáng khích lệ. Chủ tịch nước cho rằng trong thời gian tới Nhà nước tiếp tục đầu tư thêm, cộng với sức dân hưởng ứng, để đạt mục tiêu đến năm 2020 có 50% số xã trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới.
Giải đáp băn khoăn của cử tri về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh công tác bảo vệ chủ quyền của đất nước là nhiệm vụ thiêng liêng của mọi người dân, của cán bộ, đảng viên, trong đó phải căn cứ vào luật pháp quốc tế. Các cơ quan chức năng của chúng ta hiện nay đang theo dõi sát sao, không lơ là trong vấn đề này.
Liên quan đến các vấn đề cử tri đề cập như an ninh mạng, tạo các kênh chống tham nhũng; chấp hành pháp luật, điều kiện giam giữ phạm nhân, Chủ tịch nước cho biết Quốc hội và các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát về vấn đề này, thông qua nhiều kênh khác nhau. Mong muốn nhân dân phát huy vai trò giám sát của mình, phát hiện kịp thời các vấn đề sai phạm ở cơ sở, địa phương, chủ động báo cho các cơ quan chức năng để nhanh chóng xử lý, khắc phục./.