Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc tại Kon Tum

Trong 2 ngày 22-23/9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác Trung ương đi thực tế tại các cơ sở kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc tại Kon Tum ảnh 1Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Tiếp tục chuyến công tác tại Tây Nguyên nhằm kiểm tra tình hình xây dựng nông thôn mới, việc giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo an ninh quốc phòng, cải cách tư pháp, trong 2 ngày 22-23/9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác Trung ương đi thực tế tại các cơ sở kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Chủ tịch nước đã đến thăm xã biên giới Sa Loong, nằm cách trung tâm huyện Ngọc Hồi 15km, tiếp giáp "ngã ba Đông Dương" Bờ Y, có Vườn quốc gia Chư Moray trong địa hạt quản lý.

Với hơn 2.000ha diện tích cây trồng hàng năm và lâu năm được chăm sóc tốt, Sa Loong là địa phương cơ bản đảm bảo đất sản xuất cho nông dân.

Thực hiện chương trình nông thôn mới, đến nay xã đã hoàn thành 5 tiêu chí; trong quá trình triển khai đã có 18 hộ dân tự nguyện hiến đất, hoa màu để làm đường giao thông. Tuy nhiên, xã vẫn tồn tại 17 gia đình thiếu đất do tách hộ khẩu, cần được tháo gỡ.

Chủ tịch nước cũng đến khảo sát hiệu quả giao lưu kinh tế, xã hội tại cửa khẩu Bờ Y, huyện Ngọc Hồi - đầu mối giao lưu kinh tế, điểm trung chuyển hàng hóa trên tuyến thương mại quốc tế nối từ Myanmar đến Đông Bắc Thái Lan, sang Nam Lào, đến Tây Nguyên và duyên hải miền Trung của Việt Nam; một trong 3 cặp cửa khẩu được phát triển hơn nữa trong thời gian tới theo Hiệp định thỏa thuận giữa Chính phủ hai nước Việt Nam-Lào.

Chủ tịch nước đã dành thời gian tìm hiểu hiệu quả hoạt động của Khu kinh tế Bờ Y, cơ sở đã được đầu tư 1.679 tỷ đồng cho việc quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng. Với diện tích 1.565ha, hiện Bờ Y thu hút được 25 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh. 9 tháng của năm 2014, Bờ Y có hơn 323.000 lượt hành khách qua lại cửa khẩu.

Trước đó, dự lễ khởi công dự án xây dựng Trung tâm quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh đặt tại thị trấn Đắc Tô (huyện Đắc Tô); thăm phân xưởng chế biến mủ cao su của Công ty 732, thuộc Binh đoàn 15.

Sau khi đi thực tế, Chủ tịch nước đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh. Cùng tham dự còn có nhiều chuyên gia kinh tế, cán bộ lãnh đạo khu vực Tây Nguyên qua các thời kỳ, các doanh nghiệp đầu tư lớn tại Kon Tum.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh Kon Tum thuộc nhóm tỉnh có tiềm năng về đất rừng lớn của cả nước, ưu thế vượt trội so với nhiều địa phương khác.

Giữ được tăng trưởng GDP trên 11% với Kon Tum là một ưu điểm nhưng đáng biểu dương hơn là việc tỉnh vừa đảm bảo lương thực đồng thời phát triển được nhiều loại thương phẩm nông sản như cao su, tiêu...

Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người được nâng lên. Diện mạo đô thị trong tỉnh có nhiều chuyển biến. Với Kon Tum, hướng đi công nghiệp hóa nông nghiệp đã được nhận diện rõ.

Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh việc phân bố, sử dụng đất rừng của địa phương có tiến bộ nhưng tiềm năng đất đai cần được khai thác triệt để hơn nữa. Bên cạnh diện tích dành cho rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, Kon Tum cần tiếp tục dành đất cho phát triển cây công nghiệp lâu năm, cây nông nghiệp ngắn ngày, ban hành các chính sách cần thiết để phát huy hiệu quả cao nhất của rừng đặc dụng, rừng kinh tế.

Chủ tịch ước bày tỏ Tây Nguyên sau giải phóng bạt ngàn rừng, gần đây rừng còn lại không nhiều. Để quản lý khai khác hiệu quả, không thể chỉ giao trách nhiệm cho ngành nông nghiệp, kiểm lâm. Nhìn ra cả nước, tổng sản phẩm thu được từ 2 triệu ha rừng kinh tế là quá ít. Kon Tum cần rà soát các đơn vị, cá nhân đang khai thác, nếu không hiệu quả, phải thu hồi giao lại cho tập thể, hộ dân làm tốt hơn.

Chủ tịch nước nêu rõ rừng bị tàn phá là có liên quan đến hoạch định chính sách, không chỉ do lâm tặc, cán bộ quản lý thoái hóa. Tỉnh phải xem xét để có chính sách hợp lý với người dân, để dân ổn định cuộc sống bảo vệ rừng.

Đánh giá cao việc tỉnh đã ứng dụng khoa học kỹ thuật, hình thành phát triển các sản phẩm như cá tầm, sâm Ngọc Linh..., Chủ tịch nước gợi mở Kon Tum nên thu hút đầu tư, tạo ngoại lực để bổ sung nội lực còn chưa đủ mạnh.

Chủ tịch nước đề nghị Kon Tum trong thời gian tới cần phát triển chăn nuôi đàn đại gia súc, đặc biệt là bò sữa và bò thịt.

Chỉ ra bài học kinh nghiệm thực tế của 17 hộ dân không có đất canh tác ở Sa Loong, Ngọc Hồi, liên hệ với việc thiếu 3.000ha của 12.000 hộ dân trong tỉnh, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh quan tâm giải quyết, định lại "bản đồ" đất canh tác; chuyển hóa địa bàn ẩn chứa nhân tố phức tạp trở thành bình ổn vững chắc; tạo không khí phấn khởi hướng tới Đại hội nhiệm kỳ mới.

Về công tác đối ngoại, tư pháp, đảm bảo trật tự an ninh, Chủ tịch căn dặn tỉnh cần làm tốt công tác đối ngoại với các nước bạn; xây dựng tuyến biên giới hòa bình hữu nghị. Cùng với tăng cường đội ngũ thẩm phán, điều tra viên, tỉnh cần chú ý với hoạt động của các cơ quan tư pháp cấp huyện, nơi vai trò quan trọng trong sơ thẩm, đảm bảo công bằng trong xét xử, gìn giữ nghiêm minh của pháp luật.

Thăm xã Sa Loong (Ngọc Hồi), Công ty 732, Chủ tịch nước đánh giá cao nỗ lực của chính quyền, người dân Sa Loong đã vượt lên những khó khăn, trở ngại của một địa phương vùng sâu, bước đầu xây dựng thành công mô hình nông thôn mới, làm thay đổi diện mạo của vùng đất Tây Nguyên. Chủ tịch nước đề nghị cán bộ chiến sỹ đơn vị 732 thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, sẵn sàng trong mọi tình huống để đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn.

Trong thời gian tới, hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị cần chú trọng hơn đến quy mô và năng suất, nâng cao giá trị sử dụng đất canh tác trong bối cảnh đất đai của địa phương dần khan hiếm trước cho nhu cầu tích tụ phục vụ sản xuất quy mô lớn.

Nói chuyện với cán bộ nhân viên Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y, Chủ tịch nước cho rằng với vị trí quan trọng, Bờ Y đã được đầu tư hạ tầng để phục vụ chức năng thông thương hàng hóa cho Việt Nam và các nước trong khu vực. Tuy nhiên những kết quả đạt được còn chưa tương xứng.

Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Kon Tum cùng các bộ, ngành chủ động tìm kiếm các nhà đầu tư; xem xét, rà soát để khai thác hiệu quả những hạng mục được xây dựng. Cùng với dành diện tích để phục vụ sản xuất công nghiệp trong nước; tỉnh cần xác định, chọn lựa cơ cấu hàng hóa của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu.

Trong chương trình công tác tại Kon Tum, Chủ tịch nước đã đến thị trấn Măng Đen, huyện Konplong để dự buổi lễ và trao tặng 50 con bò trong chương trình "Ngân hàng bò - Chung sức cùng đồng bào các huyện xã biên giới xây dựng nông thôn mới" cho các hộ gia đình nông dân nghèo, nạn nhân chất độc da cam thuộc hai xã Pờ E và Ngọc Tem.

Thăm Công an tỉnh Kon Tum, Chủ tịch nước đánh giá cao hoạt động tích cực của các cán bộ chiến sỹ toàn lực lượng đã đảm bảo an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, góp phần gìn giữ bình yên cho cuộc sống người dân.

Chủ tịch nước nhấn mạnh hệ thống chính trị và lực lượng vũ trang của Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng có hai nhiệm vụ chính là xây dựng và bảo vệ chính quyền.

Trong bối cảnh tình hình đất nước gặp nhiều cam go thử thách do tác động của những biến động của thế giới và khu vực, lực lượng công an cần thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, phát huy truyền thống trung dũng, đặc biệt chú trọng thế trận lòng dân, giữ vững niềm tin của dân với lực lượng vũ trang trưởng thành từ nhân dân, vì nhân dân phục vụ.

Là tỉnh nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, có 13 xã biên giới giáp với 2 nước Lào và Campuchia, 53% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số với 30 dân tộc sinh sống, 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm kinh tế của Kon Tum tăng 11,6%.

Thu ngân sách trên địa bàn đạt 825 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 25 triệu đồng. Trong năm tỉnh đã trồng được 367ha rừng nguyên liệu giấy, diện tích cao su trên địa bàn đạt 72.870ha. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.700 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2012.

Kon Tum đã loại bỏ 23 vị trí ra khỏi quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh. 3 năm triển khai chương trình nông thôn mới, Kon Tum đã làm đường ôtô đến 100% trung tâm xã, đưa điện lưới về 660 thôn, đạt tỷ lệ 96%, 81/86 xã có trường tiểu học và trạm y tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục