Chủ tịch Quốc hội đánh trống khai hội Lễ hội Bà Triệu năm 2018

Sáng 7/4, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã diễn ra Lễ kỷ niệm 1770 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và khai hội Lễ hội Bà Triệu.
Chủ tịch Quốc hội đánh trống khai hội Lễ hội Bà Triệu năm 2018 ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh trống khai hội Lễ hội Bà Triệu năm 2018. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Sáng 7/4, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bà Triệu tại xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã diễn ra Lễ kỷ niệm 1770 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh (22/2 năm Mậu Thìn 248-22/2 năm Mậu Tuất 2018) và khai hội Lễ hội Bà Triệu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đánh trống khai hội Lễ hội Bà Triệu năm 2018.

Lễ kỷ niệm 1770 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và Lễ hội Bà Triệu năm 2018 diễn ra với các nghi thức truyền thống với các hoạt động tế lễ (lễ trình cáo, tế lễ, lễ yên vị) và dâng hương tại đền thờ, khu lăng mộ Bà Triệu, đình làng Phú Điền, rước kiệu Bà, trình tấu Chúc văn trên đền Bà... theo nghi thức cổ truyền.

Phần hội là chương trình sân khấu hóa do các nghệ sỹ Nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn trình diễn, tái hiện hình tượng Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh trong cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược Đông Ngô, phát huy tinh thần và hào khí của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, các tiết mục ca ngợi sự đóng góp của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ xứ Thanh nói riêng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...

Chủ tịch Quốc hội đánh trống khai hội Lễ hội Bà Triệu năm 2018 ảnh 2Chương trình sân khấu hóa mang chủ đề “Lời thề Trinh nữ,”tái hiện hình tượng anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh trong cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược Đông Ngô. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Lễ kỷ niệm 1770 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và Lễ hội Bà Triệu năm 2018 là sự kiện văn hóa lớn của tỉnh Thanh Hóa, nhằm tôn vinh công lao của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, đồng thời giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa, kiến trúc tiêu biểu, độc đáo của Di tích lịch sử đền Bà Triệu và những tiềm năng du lịch của tỉnh Thanh Hóa với bạn bè trong nước và quốc tế.

Trong khuôn khổ sự kiện, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc cũng đồng thời diễn ra trên khắp các địa phương của tỉnh Thanh Hóa như Lễ hội Đền Nưa-An Tiêm gắn với kỷ niệm 1770 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh; hoạt động dâng hương, tế lễ và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại Nghè Trúc, xã Định Tiến, huyện Yên Định; dâng hương, tế lễ và các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tại xã Trung Thành, huyện Nông Cống.

Ban tổ chức Lễ hội Bà Triệu cũng triển khai gian triển lãm trưng bày với chủ đề “Thanh Hóa miền di sản,” tổ chức các dịch vụ lữ hành, quảng bá du lịch Thanh Hóa, kết nối các tour du lịch trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa với đền Bà Triệu...

Lễ hội Bà Triệu diễn ra trong ba ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục