Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm

Sáng 12/6, với 464 phiếu tán thành, tương đương 95,28%, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi).
Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ảnh 1Hơn 95% số phiếu tán thành Luật cạnh tranh sửa đổi. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Sáng 12/6, với 464 phiếu tán thành (tương đương 95,28%), kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

[Đảm bảo tính độc lập, công bằng khi giải quyết vụ việc cạnh tranh]

Thời hạn xem xét hồ sơ xin hưởng miễn trừ là 90 ngày

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, việc quy định thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trong đó bao gồm Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm là để bảo đảm tính độc lập trong việc thực hiện chức năng tố tụng cạnh tranh.

Bên cạnh đó, quy định về bổ nhiệm và nhiệm kỳ của thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là 5 năm, phù hợp với Quy chế bổ nhiệm cán bộ, công chức của Chính phủ.

Trước quy định về trường hợp hết 60 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ mà cơ quan cạnh tranh quốc gia không có quyết định gia hạn hoặc hết thời gian gia hạn mà không ra quyết định cho hưởng miễn trừ và gửi cho các bên trong thời hạn quy định thì được coi là các bên có quyền miễn trừ đối với các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo quy định của Luật này về nguyên tắc là hành vi bị cấm, doanh nghiệp không thể đương nhiên được thực hiện nếu không có quyết định được hưởng miễn trừ của Ủy ban cạnh tranh Quốc gia.

Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ảnh 2Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Hơn nữa, việc doanh nghiệp được hưởng miễn trừ cần phải được Ủy ban cạnh tranh Quốc gia quyết định trên cơ sở xem xét, đánh giá một cách thận trọng, tuân thủ theo trình tự, thủ tục chặt chẽ và đúng thời hạn theo quy định của Luật này để bảo đảm môi trường cạnh tranh và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

"Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật bổ sung khoản 4 Điều 20 quy định trường hợp Ủy ban cạnh tranh Quốc gia vi phạm quy định về trình tự, thủ tục và thời hạn, doanh nghiệp có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật," Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Vũ Hồng Thanh nói.

Thông tin thêm, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, so với Luật Cạnh tranh hiện hành, thời hạn xem xét hồ sơ xin hưởng miễn trừ đã giảm từ 120 ngày xuống còn tối đa 90 ngày (bao gồm 60 ngày chính thức và 30 ngày gia hạn).

Trong thời gian thẩm định hồ sơ xin hưởng miễn trừ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải tiến hành nhiều công việc như: khảo sát thị trường, đánh giá tác động của thỏa thuận, tham vấn các đối thủ cạnh tranh trên thị trường và xác định các điều kiện cho hưởng miễn trừ, do đó, thời hạn ra quyết định quy định trong dự thảo Luật là phù hợp.

Về đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh dựa trên thị phần, theo đại diện Ủy ban thường vụ Quốc hội, điều 217 Bộ Luật hình sự quy định cấm đối với hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại khoản 7 và 8 Điều 11 của dự thảo Luật theo cách tiếp cận của Luật Cạnh tranh hiện hành khi các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên (đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh dựa trên thị phần).

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) tiếp cận theo hướng cấm các hành vi thỏa thuận nếu gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường. Điều đó cho phép cơ quan cạnh tranh điều tra, xử lý đối với các hành vi này trong trường hợp gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường, kể cả trong trường hợp thị phần kết hợp của các bên tham gia thỏa thuận nhỏ hơn 30% nhưng có những yếu tố khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể.

Điều đó có nghĩa quy định cấm đối với hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh tại khoản 7 và 8 Điều 11 của dự thảo Luật có phạm vi rộng hơn so với quy định cấm tại Điều 217 Bộ luật Hình sự.

Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ảnh 3Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: quochoi.vn)

Quy định mức phạt tiền tối đa

Để đảm bảo tính chặt chẽ của phiên điều trần, đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói thêm, trong quá trình xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, việc tổ chức phiên điều trần là để tạo cơ hội cho các thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh lắng nghe ý kiến tranh luận của các bên trong vụ việc.

Để ban hành quyết định xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, các thành viên Hội đồng xử lý sẽ phải thảo luận và biểu quyết theo đa số nên Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh không thể có kết luận ngay tại phiên điều trần.

"Tuy nhiên, để có cơ sở ban hành quyết định xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý khoản 5 Điều 93 của dự thảo Luật theo hướng các ý kiến và tranh luận tại phiên điều trần phải được ghi vào biên bản," Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Vũ Hồng Thanh lý giải.

Cũng theo đại diện Ủy ban Kinh tế, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Do đó, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân khác nếu chứng minh được thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh gây ra hoàn toàn có quyền khởi kiện ra tòa án. Vì vậy, dự thảo Luật không quy định thêm quyền khởi kiện ra tòa của các cá nhân, tổ chức.

Tại khoản 1 Điều 111 dự thảo Luật về mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền đã được chỉnh lý, đảm bảo tính thống nhất với Bộ luật Hình sự. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh là 2 tỷ đồng, phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính .

Đối với các hành vi vi phạm về tập trung kinh tế thì Bộ luật Hình sự không quy định, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hạn chế cạnh tranh áp dụng theo quy định của luật tương ứng.

Hành vi vi phạm về tập trung kinh tế là hành vi gây tác động hạn chế cạnh tranh. Vì vậy, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, dự thảo Luật Cạnh tranh quy định mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm về tập trung kinh tế là phù hợp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục