Chứng khoán châu Á khởi sắc phiên giao dịch đầu tuần 30/5

Việc Trung Quốc nới lỏng một số hạn chế nghiêm ngặt liên quan tới đại dịch COVID-19 ở Thượng Hải và Bắc Kinh góp phần hỗ trợ đà tăng của thị trường.
Chứng khoán châu Á khởi sắc phiên giao dịch đầu tuần 30/5 ảnh 1Bảng điện tử thông báo chỉ số KOSPI tại ngân hàng Hana ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: YONHAP/TTXVN)

Hầu hết các thị trường chứng khoán khu vực châu Á-Thái Bình Dương đều đi lên trong phiên giao dịch ngày 30/5, giữa lúc các nhà đầu tư được tiếp thêm sự lạc quan sau khi nền kinh tế Mỹ đón nhận một vài dữ liệu tích cực.

Trong khi đó, việc Trung Quốc nới lỏng một số hạn chế nghiêm ngặt liên quan tới đại dịch COVID-19 ở Thượng Hải và Bắc Kinh, dấy lên kỳ vọng về sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng góp phần hỗ trợ đà tăng của thị trường.

Xu hướng tăng của thị trường trong phiên này đà nối dài đà tăng từ tuần trước của thị trường chứng khoán toàn cầu, với một số nhà bình luận cho rằng ngày càng có nhiều hy vọng rằng đợt bán tháo kéo dài nhiều tháng có thể đã chấm dứt.

[Chỉ số chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng hơn 6% trong tuần qua]

Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 587,75 điểm (2,19%), lên 27.369,43 điểm.

Thị trường phấn khích trước các báo cáo rằng Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch hỗ trợ phát triển kỹ năng và giáo dục thường xuyên cho khoảng 1 triệu lao động, bao gồm lao động không chính thức, đồng thời mở rộng các yêu cầu về điều kiện cho một chương trình hưu trí tư nhân quy mô lớn.

Các nhà đầu tư bây giờ đang chuyển sự chú ý sang một loạt dữ liệu kinh tế quan trọng, dự kiến sẽ được công bố trong tuần này, bao gồm dữ liệu về chỉ số các nhà quản lý mua hàng (PMI) của Trung Quốc, Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ do Viện quản lý nguồn cung (ISM) công bố, báo cáo việc làm trong khu vực phi nông nghiệp của Mỹ và tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Australia.

Các nhà sản xuất ôtô ghi nhận mức tăng giá cổ phiếu mạnh nhất tại thị trường chứng khoán Nhật Bản, với giá cổ phiếu của Toyota tăng 2,04%, lên 2.126,5 yen/cổ phiếu.

Giá cổ phiếu của Honda tăng 1,27% lên 3.184 yen/cổ phiếu và giá cổ phiếu của Nissan tăng thêm 2,47%, đứng ở mức mức 502,3 yen/cổ phiếu.

Tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc chứng kiến "sắc xanh" phiên thứ hai liên tiếp, nhờ đà tăng tại Phố Wall trong phiên trước và kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế Trung Quốc. Chốt phiên này, chỉ số Kospi tăng 31,61 điểm (1,2%), lên 2.669,66 điểm.

Cuối tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - một thước đo lạm phát được Fed đặc biệt lưu tâm - chỉ tăng 0,2% trong tháng Tư. Đây là mức tăng hàng tháng nhỏ nhất trong một năm rưỡi, phần lớn là do giá xăng giảm. Chỉ số này giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2021, đánh dấu lần "hạ nhiệt" đầu tiên trong 17 tháng qua.

Tốc độ tăng của PCE cốt lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động) cũng giảm từ 5,2% hồi tháng Ba xuống 4,9% trong tháng Tư khi so với cùng kỳ năm ngoài. Đây cũng là tháng “hạ nhiệt” thứ hai liên tiếp của chỉ số này.

Lần cuối cùng PCE cốt lõi giảm liên tiếp là trong vài tháng đầu tiên khi đại dịch bắt đầu bùng phát hồi đầu năm 2020. Những số liệu mới hỗ trợ cho lập luận rằng nền kinh tế Mỹ đã hoặc đang đi qua thời kỳ "lạm phát đỉnh điểm" - dự kiến sẽ giá tiêu dùng sẽ ít khả năng trở nên tồi tệ hơn trong những tháng tới.

Thông tin này giúp một loạt thị trường chứng khoán khởi sắc, bào gồm thị trường Sydney của Australia, Đài Bắc của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Mumbai (Ấn Độ), Bangkok của Thái Lan và Wellington của New Zealand.

Không nằm ngoài xu hướng trên, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đồng loạt đi lên, sau khi Chính quyền thành phố Thượng Hải và Bắc Kinh công bố các bước tiếp theo để khôi phục các hoạt động trở lại bình thường và nới lỏng các biện pháp phòng dịch.

Nền kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu phục hồi trong tháng Năm, sau khi suy giảm mạnh trong tháng trước đó.

Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế, phản ánh qua các số liệu tháng 5/2022 yếu hơn so với cùng kỳ năm ngoái khiến nhiều nhà phân tích dự báo GDP quý II sẽ giảm.

Sức mạnh và sự bền vững của tiến trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc sẽ phụ thuộc phần lớn vào diễn biến của dịch COVID-19.

Các nhà đầu tư bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc thiếu một lộ trình để thoát khỏi chiến lược "Zero COVID" với các quy định nghiêm ngặt để phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, thị trường mong đợi chính phủ sẽ đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ hơn cho nền kinh tế.

Các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) kỳ vọng các chính sách tài khóa sẽ được nới lỏng hơn nữa để thúc đẩy nhu cầu, trong bối cảnh Trung Quốc đối mặt với áp lực tốc độ tăng trưởng giảm và sự không chắc chắn của đà phục hồi kinh tế.

Khép lại phiên này, chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng lần lượt tăng 18,82 điểm (0,6%) và 426,57 điểm (2,06%), lên 3.149,06 điểm và 21.123,93 điểm.

Tại thị trường Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 30/5, VN-Index tăng 8,47 điểm lên 1.393,92 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 587,2 triệu đơn vị, tương ứng hơn 16.496,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 289 mã tăng giá, 145 mã giảm giá và 65 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 1,6 điểm lên 312,77 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 87,6 triệu đơn vị, tương ứng trên 1.928,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 134 mã tăng giá, 71 mã giảm giá và 52 mã đứng giá.

UPCOM-Index tăng 1,6 điểm lên 312,77 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 50,4 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 875,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 201 mã tăng giá, 99 mã giảm giá và 62 mã đứng giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục