Ngày 20/12, trang tin của Viện Chính sách Chiến lược Australia đăng bài viết của tác giả David Uren tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ, Đại học Sydney, nhận định tự do hóa thương mại đang phải đối mặt với mối đe dọa lớn nhất trong 80 năm qua, song vẫn có những tín hiệu tích cực về thương mại tự do.
Sau đây là nội dung bài viết:
Xung đột thương mại là chủ đề kinh tế nổi bật của năm 2019. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên khi vào cuối năm nay đã có tới ba hiệp định thương mại đạt được những tiến triển đáng kể. Mỗi hiệp định là câu chuyện về triển vọng kinh tế toàn cầu và quan hệ giữa các nước.
Cũng giống như thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và Trung Quốc hôm 13/12, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã giành được sự đồng thuận của đảng Dân chủ đối với những thay đổi trong bản sửa đổi của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) phiên bản mới với Mexico và Canada và gần như chắc chắn những thay đổi này sẽ được luật hóa.
Trong khi đó, ở nửa vòng bên kia của Trái Đất, các nước ASEAN đã kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và dự định ký kết trong năm 2020, cho dù Ấn Độ có quyết định tham gia Hiệp định này hay không.
RCEP, dự kiến bao gồm 10 quốc gia ASEAN và Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Australia, ban đầu chỉ là một thỏa thuận khá hạn chế nhằm cắt giảm thuế quan đối với các mặt hàng không gây tranh cãi. Tuy nhiên, kể từ khi các cuộc đàm phán bắt đầu vào năm 2012, Hiệp định này đã được chuyển đổi thành một thỏa thuận kinh tế sâu rộng bao trùm cả các lĩnh vực dịch vụ, kinh tế kỹ thuật số, đầu tư nước ngoài, sở hữu trí tuệ và quản lý chuỗi cung ứng.
Thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” đạt được giữa Mỹ và Trung Quốc chứng tỏ Tổng thống Trump đã không đúng khi tuyên bố vào đầu năm 2018 rằng “các cuộc chiến thương mại là có ích, và dễ giành chiến thắng."
Mỹ đã phải chấp nhận cách giải quyết một phần này do cuộc chiến thương mại đang gây ra thiệt hại lớn, không thể chấp nhận được đối với nông dân Mỹ, những người có vai trò rất quan trọng trong chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016. Ví dụ, thị phần xuất khẩu đậu tương của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm từ mức cao hơn 70% xuống chỉ còn 5%. Thỏa thuận này mang lại một số lợi ích cho ngành nông nghiệp của Mỹ và tạm dừng "sự leo thang" mới trong cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.
Có nhiều lý do cho cuộc chiến thương mại do Mỹ khởi xướng, trong đó có mong muốn giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, niềm tin cho rằng Trung Quốc đang cạnh tranh không lành mạnh khi nhà nước vẫn giữ vai trò lớn của trong nền kinh tế của nước này, Trung Quốc "đánh cắp" công nghệ của Mỹ, và đây là cuộc cạnh tranh chiến lược giữa một cường quốc được thành lập từ lâu và một cường quốc mới nổi.
Thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” có bổ sung một số biện pháp bảo vệ công nghệ (tuy chưa được xác định rõ), nhưng chưa giải quyết được các vấn đề khác. Mặc dù chưa giải quyết được các mối quan ngại cơ bản của Mỹ, thỏa thuận hoàn toàn là một phía, với tất cả các nhượng bộ là từ phía Trung Quốc. Nó phản ánh niềm tin của chính quyền Mỹ cho rằng họ sẽ giành được một thỏa thuận tốt hơn khi thực hiện chính sách cứng rắng đối với các đối tác thương mại trên cơ sở song phương, thay vì thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Thỏa thuận bao gồm một cơ chế giải quyết tranh chấp, một điều khá trớ trêu khi chính nước Mỹ đã buộc Cơ quan phúc thẩm thương mại của WTO phải ngừng hoạt động trong tháng 12 sau khi nước này phủ quyết tất cả các đề cử thẩm phán mới thay thế cho các thẩm phán đã hết nhiệm kỳ.
Ngược lại, Hiệp định mới thay thế Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) lại phù hợp với các quy định của WTO. Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump chỉ trích NAFTA là thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất mà Mỹ từng ký kết. Tuy nhiên, thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và Canada và Mexico hồi tháng Năm vừa qua chỉ có thêm vài điều chỉnh.
Theo thỏa thuận, Canada và Mỹ đồng ý mở cửa một phần thị trường sữa hai nước. Để đủ điều kiện miễn thuế, ôtô phải có 75% phụ tùng được sản xuất tại Bắc Mỹ, tăng từ mức 62%, và 40% đến 45% phụ tùng ôtô phải được tạo ra bởi các công nhân có mức lương ít nhất 16 USD/giờ, gấp ba lần mức lương ở Mexico. Thỏa thuận cũng bao gồm một số chương mới về sở hữu trí tuệ và thương mại số, tương tự như các quy định trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - hiệp định mà chính quyền Tổng thống Trump đã rút khỏi. Các chương này phần lớn phản ánh lợi ích của các công ty công nghệ Mỹ.
Trong khi các điều khoản về lao động phản ánh chủ nghĩa bảo hộ mới của Mỹ, thỏa thuận cho thấy chính quyền Tổng thống Trump, đảng Dân chủ và nghiệp đoàn Mỹ đều thừa nhận rằng các hiệp định phù hợp với WTO giúp thương mại dễ dàng hơn phù hợp lợi ích quốc gia của Mỹ.
Bên cạnh đó, RCEP, mặc dù không có sự tham gia của Mỹ, cho thấy "ngọn lửa" thương mại tự do vẫn còn bùng cháy ở khu vực châu Á.
Mặc dù nội dung chi tiết của RCEP chưa được công bố, được biết 95% hàng hóa giao dịch trong một khu vực chiếm gần 1/3 nền kinh tế thế giới sẽ được miễn thuế.
Chương về đầu tư của Hiệp định ban đầu yêu cầu các thành viên liệt kê rõ các lĩnh vực trong nền kinh tế của họ sẽ mở cửa cho đầu tư nước ngoài và các lĩnh vực còn lại sẽ hạn chế mở cửa. Tuy nhiên, dự thảo mới nhất của RCEP lại quy định các quốc gia nêu cụ thể các lĩnh vực hạn chế mở cửa, trong khi các lĩnh vực còn lại sẽ mở cửa cho đầu tư nước ngoài.
[Cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung: Trung Quốc dẫn trước Mỹ về blockchain?]
Các chương về thuận lợi hóa thương mại và dịch vụ của RCEP được thiết kế nhằm giảm rào cản hành chính đối với các doanh nghiệp kinh doanh và hoạt động xuyên biên giới.
Tăng trưởng thương mại là nền tảng cho sự năng động của các nền kinh tế châu Á trong hai thập kỷ qua và RCEP được hy vọng sẽ mang lại năng lượng mới cho thương mại khu vực tại thời điểm các dòng chảy thương mại trên toàn cầu đang suy giảm.
Bên cạnh ý nghĩa kinh tế thuần túy, RCEP còn có tầm quan trọng chiến lược. Nhật Bản và Hàn Quốc đã sử dụng các hạn chế thương mại làm vũ khí trong việc giải quyết tranh chấp giữa hai nước về lao động bị ép buộc thời chiến. RCEP sẽ giúp ngăn chặn điều này bằng cách ràng buộc cả hai vào một khung giao thương mở mới. Một hiệp định thương mại khu vực chính thức có sự tham gia của Nhật Bản và Trung Quốc cũng sẽ giúp tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước vốn dễ bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa dân tộc.
Sau hết, RCEP cho thấy ASEAN không phải là một “cuộc hôn nhân vụ lợi” giữa các quốc gia gần nhau về mặt địa lý nhưng có rất nhiều khác biệt. ASEAN là động lực của RCEP, một thành tố quan trọng trong các thể chế của thương mại toàn cầu./.