​Chuyên gia dự đoán về thỏa thuận 'đình chiến' thương mại Mỹ-Trung

Tia hy vọng hai bên có sự nhượng bộ, thỏa hiệp vẫn le lói khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp cấp cao bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20.
​Chuyên gia dự đoán về thỏa thuận 'đình chiến' thương mại Mỹ-Trung

Sau khi vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung lần thứ 11 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào cùng với việc cả hai bên đều có các chỉ trích, trừng phạt lẫn nhau khiến dư luận càng quan ngại hơn về một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới leo thang.

Tuy nhiên, tia hy vọng hai bên có sự nhượng bộ, thỏa hiệp vẫn le lói khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp cấp cao bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6 tới tại Nhật Bản.

Phóng viên TTXVN tại Anh dẫn nội dung bài viết trên tờ The Economist cho biết trong năm 2018, Tổng thống Trump đã đề cập đến căng thẳng thương mại với Trung Quốc 133 lần trên trang Twitter cá nhân trong khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc lại hầu như giữ thái độ im lặng về vấn đề này.

Tuy nhiên, thái độ của Bắc Kinh đã thay đổi khi có những biện pháp đáp trả và truyền thông nước này đã đăng tải loạt bài bình luận về căng thẳng thương mại với Washington.

Phía Mỹ đã quyết định nâng thuế từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc từ 10/5.

[Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Chệch hướng ở cuối đường]

Đáp lại, Trung Quốc cũng quyết định tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, trong đó có khí đốt.

Khi tất cả những quyết định trên có hiệu lực thì khoảng 560 tỷ USD trị giá hàng xuất khẩu hằng năm của Trung Quốc sẽ đối mặt với mức thuế 25% và khoảng 180 tỷ USD hàng hóa xuất sang Trung Quốc của Mỹ cũng sẽ chịu mức thuế tương tự.

​Chuyên gia dự đoán về thỏa thuận 'đình chiến' thương mại Mỹ-Trung ảnh 1Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G20. (Nguồn: Getty Images)

Nhiều nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm nay có thể sẽ giảm xuống còn 6%. Còn người tiêu dùng Mỹ sẽ phải đối mặt với tình trạng hàng hóa tăng giá, khiến lạm phát có thể tăng thêm 0,5%.

Dư luận tiếp tục bày tỏ quan ngại về các diễn biến theo chiều hướng không thuận này và dự báo về các hậu quả.

Nhật báo kinh tế Les Echos của Pháp cho rằng đợt trả đũa lần này liên quan đến nhiều mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt là nông sản, quần áo, thiết bị điện tử gia dụng.

Báo này dẫn ý kiến của Chủ tịch American Apparel &Footwear Association, một hiệp hội đại diện cho hàng nghìn nhãn hiệu quần áo, khẳng định: “Siết chặt và đưa thêm hàng tiêu dùng vào cuộc chiến thương mại, Tổng thống Trump cho thấy ông không quan tâm đến việc giá cả gia tăng, ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ gia đình, cũng như hàng triệu lao động Mỹ."

Hiệp hội này ước tính mỗi năm một gia đình 4 người ở Mỹ sẽ phải chi thêm 2.300 USD cho các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Một hậu quả khác của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng được Les Echos nêu ra, đó là đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ trong năm 2018 đã giảm 80%, do tâm lý nghi kỵ và thị trường tài chính bị ảnh hưởng bởi các quyết định trừng phạt lẫn nhau.

Bắc Kinh đã kêu gọi một loạt tập đoàn lớn đang hoạt động mạnh ở Mỹ không những ngừng đầu tư mà còn thoái bớt vốn đầu tư để đề phòng tình hình tài chính xấu. Ở chiều ngược lại, đầu tư Mỹ vào Trung Quốc cũng giảm xuống 12,9 tỷ USD trong năm 2018, so với 14,1 tỷ USD của năm 2017.

Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Kinh tế quốc tế Peterson tại Washington cho rằng, phạm vi áp thuế mà Mỹ sử dụng đối với Trung Quốc giống như mức thuế Smoot-Hawley năm 1930, mức áp dụng trước khi xảy ra cuộc đại suy thoái kinh tế tại Mỹ.

Nếu như ông Trump tiếp tục thực hiện như lời đe dọa là sẽ đánh thuế tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, thì hậu quả sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.

Trong trường hợp này, không loại trừ khả năng Bắc Kinh có thể tìm cách gây khó khăn cho các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc, trong đó có việc kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay hàng hóa Mỹ. Trong bối cảnh đó, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ bước vào cuộc chiến tranh thương mại toàn diện.

Tuy nhiên, The Economist cho rằng hiện vẫn có hy vọng rằng cả Washington và Bắc Kinh sẽ có những bước lùi trong cuộc chiến này.

Thị trường chứng khoán đã có sự hồi phục sau ngày bán tháo cổ phiếu hôm 13/5 khi hai bên đưa ra các tuyên bố "ăn miếng trả miếng" nhau. Điều này phản ánh sự lạc quan rằng hai bên có thể sẽ bình tĩnh suy xét lại.

Hơn nữa, hầu hết các biện pháp thuế tung ra mới đây đều chưa có hiệu lực. Mức thuế 25% của Mỹ chỉ áp dụng cho những hàng hóa rời Trung Quốc sau ngày Mỹ công bố, do vậy phải đến tháng 6 thì hai bên mới bắt đầu “ngấm” những đòn đau mà đối phương đưa ra.

Mức áp thuế mới mà Trung Quốc đưa ra đối với các mặt hàng của Mỹ có hiệu lực từ 1/6/2019, do vậy vẫn còn hy vọng để hai bên ngồi lại đàm phán với nhau.

Hơn nữa, trong những tuyên bố chính thức của mình, thông điệp nhất quán của Trung Quốc là sẽ không dễ bị Mỹ "bắt nạt" nhưng cũng mong muốn đi đến thỏa thuận với Mỹ.

Còn Tổng thống Trump cũng thể hiện sẵn sàng nối lại đàm phán với Trung Quốc khi thông báo ông sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6 tới tại Nhật Bản.

Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào tháng 11/2018 tại Argentina, hai bên đã nhất trí “đình chiến” thương mại. Do vậy, đây là lý do để hy vọng rằng điều này sẽ lặp lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục