Cố vấn nhà nước Myanmar lần đầu thị sát bang Rakhine

Bà Aung San Suu Kyi đã lần đầu tiên đến bang Rakhine, miền Bắc nước này, nơi đang bị tàn phá bởi xung đột khiến các phần lớn người Hồi giáo Rohhingya buộc phải đi lánh nạn ở Bangladesh.
Cố vấn nhà nước Myanmar lần đầu thị sát bang Rakhine ảnh 1Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi (giữa) trong chuyến thị sát bang Rakhine ngày 2/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 2/11, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi đã lần đầu tiên đến bang Rakhine, miền Bắc nước này, nơi đang bị tàn phá bởi xung đột khiến các phần lớn người Hồi giáo Rohhingya buộc phải đi lánh nạn ở Bangladesh.

Người phát ngôn Chính phủ Myanmar Zaw Htay (Dau Htay) cho biết trong chuyến thị sát 1 ngày này, Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi đã tới Sittwe, Maungdaw và Buthiduang.

Trong đó, Muangdaw và Buthiduang là các khu vực "nóng" tại bang Rakhine.

Trong vấn đề bạo lực tại bang Rakhine, ban lãnh đạo Myanmar chú trọng tới 3 ưu tiên trước mắt gồm hồi hương những người phải sang Bangladesh lánh nạn và triển khai các hoạt động hỗ trợ nhân đạo một cách hiệu quả, tái định cư và tái thiết các khu vực chịu ảnh hưởng, hỗ trợ khu vực phát triển và duy trì hòa bình ổn định lâu dài.

[Myanmar chỉ trích Bangladesh trì hoãn việc hồi hương người Rohingya]

Sau lời kêu gọi thiết lập cơ chế Liên minh Hỗ trợ nhân đạo, tái thiết và phát triển (UEHRD) tại Rakhine của bà Aung San Suu Kyi, hiện Chính phủ Myanmar đã triển khai các dự án nhằm lập lại an ninh và ổn định tại đây. Theo đó, các bộ ngành liên quan đã triển khai các dự an ưu tiên trong một loạt lĩnh vực.

Làn sóng bạo lực nổ ra tại Rakhine từ ngày 25/8 khi những phần tử Hồi giáo thuộc cộng đồng người Rohingya thiểu số tấn công 24 đồn cảnh sát và đột nhập một căn cứ quân sự tại bang Rakhine.

Xung đột với các vụ giao tranh nghiêm trọng nhất xảy ra gần thị trấn Maungdaw đã làm ít nhất 110 người thiệt mạng.

Theo số liệu chưa chính thức bạo lực đã khiến hơn 600.000 người Rohingya, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã tìm cách vượt biên sơ tán sang lãnh thổ nước láng giềng Bangladesh.

Tình trạng này đang có nguy cơ bùng nổ thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn, đòi hỏi các nỗ lực và hành động quốc tế nhằm đáp ứng những nhu cầu cứu trợ ngày càng tăng, nhất là về những nhu cầu thiết yếu như lương thực, nước uống, dịch vụ vệ sinh, chăm sóc y tế, chỗ ở và việc đảm bảo an toàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục