Công nghiệp văn hóa sẽ là nguồn lực để phát triển Thủ đô bền vững

Phát triển công nghiệp văn hoá được kỳ vọng là sẽ đóng góp khoảng 8% GDP của Thủ đô vào năm 2030. Để có thể đạt mục tiêu này, Thành ủy Hà Nội sẽ phát triển một hệ sinh thái sáng tạo.
Phát triển công nghiệp văn hóa sẽ dựa trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Phát triển công nghiệp văn hóa sẽ dựa trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Nhằm thúc đẩy phát triển văn hoá, con người Hà Nội theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết về “Phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.”

Văn hóa đóng góp cho tăng trưởng GDP

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ quan điểm rằng Thành ủy Hà Nội xác định phát triển công nghiệp văn hóa được đặt trong tổng thể và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đây là điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô.

Phát triển công nghiệp văn hóa là một ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng GDP, đem lại nhiều việc làm và thu nhập, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững Thủ đô.

Công nghiệp văn hóa sẽ là nguồn lực để phát triển Thủ đô bền vững ảnh 1Công nghiệp văn hóa sẽ được xây dựng dựa trên những bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Phát triển công nghiệp văn hóa sẽ dựa trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long-Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Hà Nội trở thành "Thành phố sáng tạo," quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới.

[Phát triển công nghiệp văn hóa, mang lại nguồn thu cho kinh tế Hà Nội]

Thành ủy Hà Nội xác định sẽ tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế như: Du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; quảng cáo; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thời trang; ẩm thực; phần mềm và các trò chơi giải trí; truyền hình và phát thanh; xuất bản… phù hợp với thực tiễn Thủ đô ở từng giai đoạn cụ thể.

Cụ thể, đến năm 2025, công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Doanh thu từ các ngành công nghiệp văn hóa tăng dần qua từng năm, phấn đấu đóng góp khoảng 8% GDP của thành phố.

Đến năm 2045, công nghiệp văn hóa Thủ đô là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp khoảng 10% GDP của thành phố; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; trở thành “Thành phố sáng tạo” của khu vực châu Á, thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa, du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế.

Xây dựng hệ sinh thái sáng tạo

Để thực hiện các mục tiêu trên, Thành ủy Hà Nội chỉ rõ 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó, thành phố sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách như: Xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm nguồn lực tài chính ổn định, bố trí nguồn vốn ngân sách thỏa đáng cho đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa, nhất là các hạng mục có tính chất nền tảng, chiến lược; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô để phát huy sự sáng tạo dựa trên các nguồn lực công nghiệp văn hóa cho phát triển bền vững như: Chuyển đổi di sản công nghiệp, nhà, biệt thự cũ, di sản đô thị, di sản ký ức thành di sản văn hóa mới; phát triển nghề và sản phẩm nghề thủ công truyền thống...

Công nghiệp văn hóa sẽ là nguồn lực để phát triển Thủ đô bền vững ảnh 2Con đường nghệ thuật Phúc Tân đã biến một bãi rác ven sông thành không gian sáng tạo cộng đồng. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Hà Nội sẽ xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích phát triển bền vững các không gian sáng tạo trở thành “hệ sinh thái sáng tạo,” khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, phát triển kinh tế số, kinh tế ban đêm, kinh tế đô thị…

Nhằm đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, thành phố sẽ xây dựng tiêu chuẩn và cơ chế thi tuyển, lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa và công nghiệp văn hóa có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ ngang tầm nhiệm vụ; thực hiện tốt chính sách thu hút nhân tài; tạo lập môi trường nuôi dưỡng văn hóa sáng tạo, phát triển hệ sinh thái giáo dục sáng tạo trong cộng đồng, nhà trường gắn với thúc đẩy giáo dục mở, xây dựng nhà trường sáng tạo, hình thành thế hệ công dân sáng tạo-công dân toàn cầu.

Thành phố cũng xác định sẽ tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; phát triển thị trường công nghiệp văn hóa; thu hút và hỗ trợ đầu tư; mở rộng giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa.

Đặc biệt, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu "Thành phố sáng tạo" của UNESCO với hàng loạt các biện pháp cụ thể như: Xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng, củng cố, kết nối, đầu tư cho các không gian sáng tạo; triển khai dự án chuỗi chương trình truyền hình tài năng sáng tạo Hà Nội; tổ chức tuần Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội hàng năm; tổ chức mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ...

Còn nhiều thách thức

Đánh giá về chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, thế mạnh của Hà Nội để phát triển công nghiệp văn hóa chính là “vốn” di sản văn hóa vừa giàu có, vừa đa dạng. Hà Nội còn là nơi tập trung nhiều người tài giỏi, sáng tạo, đặc biệt là nhiều nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Hà Nội cũng sẽ trở thành miền đất, thị trường lý tưởng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là sản phẩm giáo dục văn hóa dựa trên di sản.

Với Nghị quyết mới, Thủ đô đã có thêm những cơ chế chính sách thuận lợi cho việc sáng tạo các sản phẩm văn hóa, quan tâm đến đầu tư cho di sản văn hóa, tiềm năng của công nghiệp văn hóa.

Công nghiệp văn hóa sẽ là nguồn lực để phát triển Thủ đô bền vững ảnh 3Lễ hội Cổ Loa. (Ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên, Hà Nội cũng có một số điểm yếu, đó là: Các sản phẩm văn hóa chưa đa dạng, chưa bản sắc, độc đáo và xứng tầm với vị thế của Thủ đô trong tương quan khu vực và quốc tế. Chưa nhận diện được giá trị văn hóa từ di sản một cách sâu sắc, gần gũi với sáng tạo văn hóa; chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu, thông tin chuyên ngành cho công nghiệp văn hóa. Thiếu kỹ năng chuyên môn và quản lý trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Cơ chế đầu tư cho công nghiệp văn hóa còn chưa hợp lý và thiếu những liên kết chuyên ngành, hiệu quả cao…

Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý cũng phân tích, 1.206 lễ hội và 79 di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian sẽ là cơ sở bền vững cho phát triển du lịch văn hóa của Thủ đô. Tuy nhiên, phát triển công nghiệp văn hóa cần hết sức thận trọng bởi sự thương mại hóa, kinh tế hóa giá trị di sản có thể là nguy cơ đối với bảo vệ di sản, với lợi ích/quyền của cộng đồng.

“Hà Nội cũng là nơi có nhiều thiết chế văn hóa bảo tàng nhất cả nước. Những bảo tàng quý nhất, lâu đời nhất cũng ở Hà Nội. Đây còn là nơi có nhiều bảo tàng ngoài công lập và các nhà sưu tập tư nhân nhiều nhất. Bên trong các bảo tàng là di sản văn hóa vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, là di sản thông tin tư liệu, di sản ký ức. Biết bao nhiêu đề tài lịch sử, văn hóa, nghệ thuật ẩn chứa trong kho di sản đồ sộ này đang chờ đợi các ngành công nghiệp văn hóa khai thác để tỏa sáng?” Tiến sỹ Lý băn khoăn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục