Tờ Finacial Times và hãng tin AFP ngày 29/6 cho biết Trung Quốc đã ngang ngược xây dựng các cơ sở quân sự mới ở các hòn đảo có tranh chấp tại Biển Đông.
Động thái này đã cho thấy mối quan hệ hữu nghị giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vốn được nhen nhóm lên tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo hồi tháng 4, đã không thuyết phục được Bắc Kinh thay đổi cách giải quyết vấn đề biển của nước này.
Theo các hình ảnh vệ tinh mà Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington (Mỹ) cung cấp cho tờ Financial Times, trong vòng 3 tháng qua, Trung Quốc đã xây dựng trái phép 4 hầm chứa tên lửa ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông, tăng số lượng các kho quân sự tại đây lên 12.
[Mỹ tạo cơ hội để các đảo Thái Bình Dương lọt vào tay Trung Quốc ?]
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng mở rộng các cơ sở radar tại Đá Chữ Thập và những khu vực có tranh chấp khác là Đá Vành Khăn và Đá Subi, cũng thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trên Biển Đông.
Trung Quốc đồng thời bắt đầu xây dựng các cấu trúc ngầm, điều mà Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc CSIS Greg Poling đánh giá là sẽ được sử dụng để dự trữ đạn dược.
Những bước tiến trên đã cho thấy rõ tiến triển mà Trung Quốc đã đạt được trong việc hướng tới quân sự hóa các đảo nhân tạo, theo các cách thức tăng cường đáng kể khả năng giám sát hoạt động ở Biển Đông và cả việc ngang ngược phô trương sức mạnh ở phía Tây Thái Bình Dương.
AMTI cho rằng: "Bắc Kinh có thể triển khai các khí tài quân sự, trong đó có các máy bay chiến đấu và bệ phóng tên lửa di dộng tới quần đảo Trường Sa vào bất cứ lúc nào."
AMTI cho hay các căn cứ không quân ở các Đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn, cũng như căn cứ không quân thứ 4 ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cho phép các máy bay quân sự Trung Quốc có phạm vi hoạt động bao trùm gần như toàn bộ khu vực Biển Đông.
Trước đó, ngày 6/6, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết cho đến cuối năm 2016, Trung Quốc đã xây dựng 24 nhà chứa máy bay cùng nhiều hệ thống vũ khí cố định và cơ sở hạ tầng liên quan đến quân sự tại mỗi căn cứ trên Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Subi thuộc khu vực Biển Đông có tranh chấp./.