Cuộc chiến pháp lý của ông Trump và "cửa sinh" cho Tik Tok

Mặc dù Tik Tok đã nhận được sự phê chuẩn ngầm của Chính quyền Trump cho phép nhượng lại một phần đầu tư cho Oracle và Walmart, song thỏa thuận này trên thực tế không bao giờ thành hiện thực.
Cuộc chiến pháp lý của ông Trump và "cửa sinh" cho Tik Tok ảnh 1Biểu tượng TikTok và quốc kỳ Mỹ trên màn hình máy tính bảng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng aljazeera.com, ByteDance - công ty Trung Quốc sở hữu ứng dụng chia sẻ video TikTok, vừa được gia hạn đến tháng 12/2020 phải nộp lại các hồ sơ cần thiết cho vụ kiện lên Tòa án phúc thẩm Mỹ khi tìm cách ngăn cản việc chính phủ Mỹ ép buộc bán lại ứng dụng chia sẻ video này cho các nhà đầu tư của Mỹ.

Tòa án phúc thẩm ở Washington hôm 12/11 đã đặt ra hai thời hạn là 14/12 và 28/12 cho ByteDance và Chính quyền Trump phải hoàn tất các thủ tục pháp lý của vụ kiện. Hôm 12/11 vừa rồi cũng chính là hạn cuối ByteDance phải tuân thủ sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump bán ứng dụng này cho các nhà đầu tư của Mỹ.

Mặc dù công ty Tik Tok đã nhận được sự phê chuẩn ngầm của Chính quyền Trump vào hai tháng trước cho phép nhượng lại một phần đầu tư cho Oracle và Walmart, song thỏa thuận này trên thực tế không bao giờ thành hiện thực.

Thỏa thuận này bị "đắp chiếu" trong hàng tuần và sau đó nhanh chóng bị chìm nghỉm trong bầu không khí bầu cử Mỹ. Sự trì hoãn này buộc Tik Tok kiện lên tòa phúc thẩm để ngăn chặn việc ép bán nói trên của chính phủ Mỹ.

Sắc lệnh của ông Trump yêu cầu việc bán lại phải diễn ra vào ngày 12/11 và cho phép gia hạn thêm 30 ngày so với hạn cuối song những thời hạn được gia hạn mới vượt qua giai đoạn 30 ngày này.

Bộ Thương mại Mỹ hôm 12/11 khẳng định sẽ không cưỡng chế việc thực thi sắc lệnh nhằm đóng cửa hoạt động của Tik Tok tại Mỹ nếu không đạt được một thương vụ bán lại trước thời hạn chót, viện dẫn phán quyết của tòa án liên bang tại Pennsylvinia hồi tháng trước.

Luật sư của Tik Tok và giới chức Bộ Tài chính, những người sẽ giám sát thương vụ mua bán, cùng Bộ Thương mại Mỹ hiện vẫn chưa có bình luận gì thêm.

Ông Trump đã biến trận chiến TikTok trở thành mặt trận trung tâm của cuộc chiến tranh thương mại quy mô lớn hơn với Trung Quốc, đặc biệt là nỗ lực ngăn chặn sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của lĩnh vực công nghiệp công nghệ Trung Quốc trên đất Mỹ.

Ông Trump lần đầu ra sắc lệnh yêu cầu bán Tik Tok cho các nhà đầu tư Mỹ hồi tháng Tám và đe dọa sẽ áp đặt lệnh cấm đối với Tik Tok nếu ByteDance không thể đạt được thương vụ mua bán với một công ty Mỹ.

Lệnh cấm sau đó đã bị hoãn hai lần, lần gần đây nhất là vào ngày 30/10 khi Tòa án Pennsylvania ban hành lệnh tạm hoãn thực thi sắc lệnh của ông Trump sau khi một nhóm người sử dụng Tik Tok để kiếm tiền đã đâm đơn kiện.

Tik Tok là một trong những ứng dụng nổi tiếng nhất trên thế giới với hơn 100 triệu người dùng Mỹ và cũng là dịch vụ quan trọng nhất của ByteDance nằm bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

ByteDance và những nhà đầu tư của họ đang tuyệt vọng tìm kiếm một thương vụ mua bán nhằm tránh viễn cảnh chính phủ Mỹ cấm Tiktok hoạt động tại một thị trường quan trọng và đem lại lợi nhuận cho các ứng dụng mạng xã hội khác như Facebook, Instagram và Snapchat.

[ByteDance đề nghị kéo dài thời hạn chuyển nhượng TikTok tại Mỹ]

Theo Aimen Mir, nguyên Phó trợ lý đầu tư chứng khoán của Bộ Tài chính, sắc lệnh ban đầu được phát ra kèm theo yêu cầu ByteDance rút vốn khỏi Tik Tok trước hạn cuối, bên cạnh việc đạt được một thỏa thuận. Nếu chính phủ Mỹ đạt được một thỏa thuận với công ty ByteDance thì chính phủ có thể tùy ý lựa chọn thời điểm thực thi thỏa thuận.

Ông Mir nói: “Thông thường khi Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) tiếp tục im lặng thì điều đó có nghĩa là chính phủ vẫn chưa nhất trí đối với bước đi tiếp theo."

Theo ông Mir, nếu việc gia hạn vẫn chưa được phê chuẩn thì Bộ Tư pháp sẽ phải tới tòa án và yêu cầu thực thi nội dung về yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi thị trường Mỹ như sắc lệnh của Tổng thống Trump nêu.

Cuộc chiến pháp lý của ông Trump và "cửa sinh" cho Tik Tok ảnh 2Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sắc lệnh hồi tháng Tám của Trump không quy định rõ hình thức trừng phạt nếu công ty ByteDance không thoái vốn. Sắc lệnh chỉ nói rằng “Bộ trưởng Tư pháp được ủy quyền thực hiện mọi biện pháp cần thiết để thực hiện sắc lệnh này."

Carl Tobias, Giáo sư Luật học tại Đại học Richmond, cho rằng: “Có thể có các hình thức phạt, hoặc có thể mang tính cứng rắn hơn như một lệnh cấm hoạt động tại Mỹ nếu chính phủ muốn đi xa tới mức đó. Tuy nhiên, từ bây giờ cho tới nửa đêm 12/11, chính phủ vẫn còn thời gian để ban hành một quyết định gia hạn. Đây là một kịch bản có thể xảy ra."

Tiến trình ép bán Tik Tok ban đầu được đưa ra do chính phủ Mỹ lo lắng về an ninh quốc gia. Chính phủ cho rằng ByteDance có thể truy cập vào thông tin cá nhân của người dân Mỹ.

Trong một bức thư hôm 30/7 được đính kèm hồ sơ kiện của ByteDance, CIFIUS, cơ quan thuộc Bộ Tài chính Mỹ chuyên đánh giá các thương vụ mua lại công ty nước ngoài của doanh nghiệp Mỹ, nói rằng những quan ngại an ninh của chính phủ đều dựa trên các thông tin mật và không mật.

Bức thư trích dẫn một động thái hồi năm 2017 của một chi nhánh của ByteDance tại Trung Quốc nhằm thiết lập một Đảng ủy vào trong cơ cấu quản lý của công ty. Bức thư này cũng chỉ ra rằng ByteDance đã cộng tác với các cơ quan an ninh trên khắp Trung Quốc.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Tài chính Mỹ nói: “Bộ Tài chính vẫn đang tập trung vào việc tìm kiếm một giải pháp đối với các rủi ro an ninh quốc gia nảy sinh từ việc ByteDance mua lại Musical.ly," ám chỉ việc mua lại một ứng dụng hồi năm 2017 mà ByteDance tích hợp với Tiktok.

Lệnh ép bán của chính quyền của ông Trump nói trên cho thấy quan điểm cứng rắn của chính quyền Trump đối với những khoản đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ. Kể từ năm 1990, chỉ có bảy thương vụ mua lại công ty nước ngoài của doanh nghiệp Mỹ bị tổng thống ngăn cản hoặc làm cho vô hiệu hóa và ông Trump "xử" bốn vụ trong số đó.

Thương vụ TikTok, vốn từng là ưu tiên của Chính quyền Trump, hiện nay đã không còn là vấn đề cấp bách do Tổng thống Trump đã chuyển mục tiêu vào nỗ lực tái đắc cử và tiến hành vụ kiện pháp lý đối với cuộc bầu cử ngày 3/11 vừa qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục