Đại hội Đối thoại dân tộc Syria bắt đầu với các phiên tham vấn

Đại hội tập hợp được khá đông đại biểu các phe phái đối lập, các sắc tộc của Syria để cùng tìm kiếm cơ hội lần đầu tiên tiếp xúc trực tiếp, không qua trung gian...
Đại hội Đối thoại dân tộc Syria bắt đầu với các phiên tham vấn ảnh 1 Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura (giữa). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 29/1, dưới sự bảo trợ của Nga, Đại hội Đối thoại dân tộc Syria đã bắt đầu tại thành phố Sochi của Liêng bang Nga với các phiên tham vấn.

Đại hội tập hợp được khá đông đại biểu các phe phái đối lập, các sắc tộc của Syria để cùng tìm kiếm cơ hội lần đầu tiên tiếp xúc trực tiếp, không qua trung gian, hướng tới mục tiêu khởi động đàm phán soạn thảo bản Hiến pháp tương lai cho Syria.

Phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga dẫn nguồn tin từ các nhà tổ chức cho biết 1.600 đại biểu, đại diện cho các tầng lớp xã hội của Syria đã được mời đến Đại hội. Các đại diện quốc tế và khu vực như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq, Trung Quốc, Ai Cập, Anh... được mời tham gia với tư cách quan sát viên và cử đại diện ở cấp đại sứ, đặc phái viên về Syria và Thứ trưởng ngoại giao. Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura tham dự Đại hội.

[Mỹ tuyên bố không tham dự Đại hội đối thoại dân tộc Syria]

Theo tuyên bố của Đại diện đặc biệt của tổng thống Nga về vấn đề Syria, ông Aleksander Lavrentiev ngay trước thềm Đại hội, một trong những nhiệm vụ của Đại hội là lựa chọn ứng cử viên tham gia ủy ban soạn thảo Hiến pháp cho Syria.

Ông Lavrentiev cũng cho biết kết quả thảo luận tại Đại hội về vấn đề này sẽ được chuyển cho Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura. Ngoài ra, các đại biểu cũng sẽ thảo luận về tuyên bố chung và đề nghị lên Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, các tổ chức nhân đạo quốc tế để hỗ trợ khôi phục đất nước.

Tình hình hiện tại ở Syria và tìm kiếm các giải pháp tiếp theo đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm của Đại hội, trong đó tất cả các đại biểu sẽ đều được có cơ hội đưa ra quan điểm của mình. Đây cũng chính là điểm khác biệt giữa Đại hội Sochi và các định dạng đàm phán Astana và Geneva, nơi chủ yếu chỉ có Chính phủ và phe đối lập có tiếng nói. Các bên tham dự Đại hội cũng khẳng định Nghị quyết số 2254 của Liên hợp quốc về Syria là văn kiện chính để giải quyết khủng hoảng tại đất nước Trung Đông này.

Trong ngày 29/1, nhóm 71 đại biểu của phe đối lập Syria đã có mặt tại Sochi để tham dự Đại hội, họ đại diện cho các nhóm đối lập ôn hòa như Phong trào vì xã hội đa nguyên, Hội nghị Dân tộc Syria, Phong trào “Ngày mai của Syria” và “Khối dân tộc”...

Dù chính quyền khu tự trị người Kurd ở Syria và nhiều phe đối lập tuyên bố không tham gia Đại hội Đối thoại dân tộc, song người phát ngôn tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố việc phe đối lập vắng mặt không cản trở được Đại hội tiến hành.

Cũng theo lời ông Peskov, Đại hội Đối thoại dân tộc Syria vẫn mở cửa cho đại diện các phe đối lập đến phút chót. Ông Peskov nhấn mạnh Đại hội Sochi là cơ hội để các bên xung đột lần đầu tiên có thể tiếp xúc không qua trung gian, các bên đều nhận thức được rằng khó đạt ngay bước tiến vượt bậc trong giải quyết tình hình Syria, mà cần phải có một quá trình bền bỉ, gian lao và liên tục để có thể đi đến một quyết định chính trị.

Dự kiến, Đại hội sẽ diễn ra trong hai ngày 29-30/1. Trong ngày làm việc chính 30/1, Đại hội sẽ họp phiên toàn thể. Kết thúc Đại hội, các bên sẽ ra Tuyên bố chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục