Đắk Lắk xử lý hàng chục cơ sở sản xuất, chế biến càphê bột "bẩn"

Lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra, xử lý hàng chục cơ sở sản xuất, chế biến càphê bột tự nguyên liệu là đậu nành, ngô và hóa chất mua trôi nổi trên thị trường.
Đắk Lắk xử lý hàng chục cơ sở sản xuất, chế biến càphê bột "bẩn" ảnh 1Sơ chế càphê. Ảnh minh họa. (Nguồn: Hồ Cầu/TTXVN)

Tỉnh Đắk Lắk kiên quyết xử lý nghiêm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến càphê bột “bẩn” không đảm bảo chất lượng nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, giữ uy tín của thương hiệu càphê Buôn Ma Thuột.

Hiện nay, ngoài hàng chục cơ sở sản xuất, chế biến càphê bột, càphê hòa tan theo công nghiệp hiện đại, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn có trên 100 cơ sở sản xuất, chế biến rang xay càphê bột bằng hình thức thủ công của các doanh nghiệp nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, bên cạnh các doanh nghiệp sản xuất, chế biến càphê rang xay, càphê bột, càphê hòa tan đảm bảo chất lượng, trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít doanh nghiệp nhỏ lẻ vì chạy theo lợi nhuận đã sản xuất, chế biến càphê bột không đảm bảo chất lượng.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản, thủy sản Đắk Lắk, qua kiểm tra đã phát hiện hàng chục cơ sở sản xuất, chế biến càphê bột mất an toàn, kém chất lượng.

Trong năm 2014, Chi cục đã tiến hành kiểm tra 17 cơ sở, phát hiện 5 cơ sở có các hành vi vi phạm, chủ yếu là sản phẩm càphê bột không đảm bảo chất lượng, xử phạt trên 61,5 triệu đồng.

Mới đây, vào ngày 19/1, các đơn vị chức năng đã kiểm tra, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở chế biến càphê bột của ông Nguyễn Đình Quang (sinh năm 1983) ở thôn 14, xã Hòa Khánh, thành phố Buôn Ma Thuột.

Lực lượng chức năng đã phát hiện nhà xưởng không đảm bảo vệ sinh và một số phẩm màu, hóa chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Ông Nguyễn Đình Quang cũng thừa nhận, cơ sở của mình mang tên chế biến càphê bột nhưng thực chất chỉ có 10% càphê, còn lại là đậu nành, ngô và hóa chất mua trôi nổi trên thị trường.

Năm 2014, cơ sở này cũng bị phạt 37,5 triệu đồng do vi phạm về chất lượng an toàn thực phẩm.

Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội càphê Buôn Ma Thuột, trong năm 2015, Hiệp hội sớm thành lập Hội những nhà rang xay càphê nhằm tiến đến quản lý chặt chẽ sản phẩm càphê bột; đồng thời, kiến nghị Nhà nước sớm ban hành tiêu chuẩn càphê bột, càphê rang xay (lâu nay chỉ quản lý càphê nhân) nhằm góp phần hạn chế càphê bột, càphê hòa tan không đảm bảo chất lượng.

Tỉnh Đắk Lắk cũng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm theo đúng pháp luật đối với các cơ sở sản xuất, chế biến càphê bột, càphê hoà tan không đảm bảo chất lượng.

Đắk Lắk là địa phương có diện tích, năng suất, sản lượng càphê nhiều nhất nước, mỗi năm đạt sản lượng từ 450.000 tấn càphê nhân trở lên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục