“Rất nhiều người có giấy phép nhưng không biết lái xe. Tại sao báo cáo đào tạo lái xe tốt mà tai nạn vẫn xảy ra?,” Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã đặt câu hỏi như vậy với lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đại diện các Sở Giao thông Vận tải cũng như giám đốc các trung tâm đào tạo dạy nghề lái xe ôtô trong cuộc họp mới đây về việc xã hội hóa, nâng cao hiệu lực quản lý đào tạo, sát hạch lái xe.
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trước nhu cầu tăng cao, nhất là giai đoạn từ năm 2004-2010 nhu cầu đào tạo lái xe ôtô tăng tới 25-37%/năm; người học có lúc phải đăng ký chờ học từ 3-6 tháng hoặc 1 năm, Bộ Giao thông-Vận tải chỉ đạo tăng cường năng lực đào tạo, sát hạch lái xe theo hướng xã hội hóa.
Trước khi thực hiện chủ trương xã hội hóa, các cơ sở đào tạo lái xe trên toàn quốc chỉ có loại hình cơ sở của nhà nước do các bộ, ngành, địa phương và một số doanh nghiệp lớn của nhà nước thành lập và quản lý về nhân sự, cơ sở vật chất.
Vào năm 2001, cả nước có 147 cơ sở đào tạo lái xe (bao gồm cả đào tạo lái xe ôtô và môtô), cơ sở vật chất nhìn chung còn lạc hậu, xe tập lái cũ, chất lượng đào tạo thấp.
Do đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, thành lập mới hoặc nâng cấp cơ sở đào tạo lái xe theo tiêu chuẩn quy định, đến nay, cả nước có 316 cơ sở đào tạo lái xe ôtô và hầu hết bao gồm cả đào tạo xe môtô. Trong số này có 125 cơ sở đào tạo tư thục, số xe ôtô tập lái từ các cơ sở này chiếm tới 43% số xe ôtô tập lái ở các cơ sở trên cả nước. Xe tập lái được đổi mới theo lộ trình bằng huy động nguồn vốn từ xã hội hóa, đạt 60% theo hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Từ tháng 7/2013, hầu hết các cơ sở đào tạo lái xe ôtô đều có xe tập lái có hộp số tự động.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, chủ trương xã hội hóa là bước đột phá quan trọng trong việc hình thành hệ thống Trung tâm sát hạch lái xe ôtô trên toàn quốc. Đến nay đã có 96 Trung tâm sát hạch lái xe, trong đó có 49 trung tâm của doanh nghiệp được xây dựng theo hình thức xã hội hóa.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Văn Quyền cũng thừa nhận, đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực này dẫn đến tình trạng các cơ sở đào tạo “nảy nở” nhiều, khó kiểm soát. Việc phát triển các cơ sở đào tạo cũng không đồng đều trong phạm vi cả nước. Trong khi các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh các cơ sở đào tạo lái xe phát triển mạnh thì tại các tỉnh như Lai Châu đến năm 2004, Trà Vinh đến năm 2010 mới có cơ sở đào tạo lái xe ôtô; thậm chí như tỉnh Bạc Liêu hiện không có cơ sở đào tạo ôtô nào.
Bên cạnh đó, hiện còn 15 tỉnh chưa có Trung tâm sát hạch lái xe, việc sát hạch phải sang tỉnh khác gây tốn kém thời gian và tiền bạc cho cả thí sinh và hội đồng sát hạch.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Tĩnh Nguyễn Việt Thắng cho biết việc sát hạch lái xe còn quá sơ sài, vẫn thực hiện bằng phương pháp chấm điểm của sát hạch viên trên đường giao thông công cộng.
Ngoài ra, chương trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam còn nặng về hình thức, chưa đưa ra được các tình huống giả định gắn với thực tế, sử dụng phương pháp chấm thủ công nên vẫn còn dư luận có tiêu cực trong khâu này.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng cho rằng cứ xảy ra tai nạn giao thông lại đổ lỗi cho công tác đào tạo, sát hạch yếu kém là không thỏa đáng bởi chưa có thống kê cụ thể về vấn đề này, trong khi lái xe gây ra các vụ tại nạn giao thông nghiêm trọng lại thường là lái xe có kinh nghiệm lâu năm, chứ không phải lái xe mới “tốt nghiệp ra trường.”
Một vấn khác nảy sinh từ tình trạng phát triển ồ ạt các cơ sở đào tạo lái xe là cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở.
“Hạ giá thấp để thu hút học viên thì chắc chắn chất lượng đào tạo sụt giảm bởi phải cắt xén nội dung chương trình giảng dạy,” ông Nguyễn Vi Tùng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề lái xe ôtô số 8 (Hà Nội) chia sẻ. Điều này cũng đẩy các trung tâm rơi vào thế khó khi không thể tăng giá học phí trong khi chính sách về thuế đất, giá thuê lại luôn biến động.
“Ở đơn vị chúng tôi tiền thuê đất tăng gấp 9 lần từ năm 2008 đến năm 2013, nhưng không thể tăng giá học phí vì có quá nhiều cơ sở đào tạo khác cạnh tranh,” ông Tùng ví dụ.
Ngoài ra, việc đăng ký tổ chức thi tuyển sát hạch chưa đồng nhất, có tình trạng một tỉnh làm chặt khâu này nhưng tỉnh khác lại lỏng hơn dẫn tới việc thí sinh “chạy” từ tỉnh này sang tỉnh kia để thi sát hạch.
Theo ông Nguyễn Vi Tùng, qua tham khảo từ nước ngoài, chỉ cần làm chặt công tác sát hạch lái xe còn việc học có thể thoải mái.
Chất lượng đội ngũ giáo viên cũng là một trong những vấn đề được xem là còn yếu trong đào tạo, sát hạch lái xe. Hiện chưa có trường sư phạm đào tạo giáo viên dạy lái xe nên thiếu nguồn giáo viên có sẵn như các ngành nghề khác.
“Để có giáo viên, chúng tôi phải tuyển chọn đầu tư kinh phí đào tạo. Tiêu chuẩn là những người lái xe có kinh nghiệm sau một thời gian tập huấn ngắn hạn được công nhận là giáo viên. Do vậy một số người nhận thức cũng như văn hóa ứng xử còn hạn chế,” ông Tùng cho biết.
Sắp tới, Bộ Giao thông Vận tải đánh giá lại sự phân cấp quản lý giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông Vận tải các địa phương, tạo điều kiện phát huy có hiệu quả công tác giám sát cộng đồng.
Bộ xác định quản lý sát hạch lái xe, kiểm tra giám sát từ đội ngũ cán bộ tới các trung tâm, trang thiết bị, quy trình sát hạch... là khâu then chốt có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và sát hạch lái xe./.