Dịch bệnh COVID-19 đang gây ra cuộc khủng hoảng y tế mới

UNICEF cho biết có tới 23 triệu trẻ em trên thế giới đã không được tiêm các loại vaccine cơ bản và điều này có thể đe dọa “xóa sổ” những thành tựu y tế mà thế giới nỗ lực hàng chục năm mới đạt được.
Dịch bệnh COVID-19 đang gây ra cuộc khủng hoảng y tế mới ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng sởi-quai bị-rubella cho trẻ em tại Nkozi, Uganda năm 2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tình trạng gián đoạn hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đặc biệt là những dịch vụ y tế thiết yếu, đang tiếp tục đe dọa “xóa sổ” những thành tựu y tế mà thế giới đã phải nỗ lực hàng chục năm mới đạt được.

Số liệu do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 15/7 cho thấy năm ngoái, cùng với sự xuất hiện của COVID-19, thế giới ghi nhận số trẻ em không được tiêm những mũi vaccine quan trọng đầu đời tăng mạnh, trong khi hàng triệu em khác bỏ lỡ các mũi vaccine nhắc lại. Có tới 23 triệu trẻ em trên thế giới đã không được tiêm các loại vaccine cơ bản - mức cao nhất trong hơn 10 năm qua và nhiều hơn 3,7 triệu trẻ so với con số thống kê năm 2019.

Báo cáo mới nhất của UNICEF và WHO là minh chứng cho thấy hệ thống y tế trên khắp thế giới vẫn đang bị "thử thách" sau hơn một năm đại dịch COVID-19 bùng phát.

COVID-19 đã và đang khiến hệ thống y tế ở các quốc gia trở nên quá tải, mọi nguồn lực y tế phải dành cho công tác phòng chống dịch, đồng nghĩa với việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc các vấn đề sức khỏe khác bị ảnh hưởng nặng nề. Đây là vấn đề đáng quan ngại bởi ngay cả trước đại dịch, ước tính vẫn có ít nhất một nửa trong tổng số 7,8 tỷ người trên thế giới chưa được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ y tế thiết yếu.

Trên toàn cầu, mỗi năm có tới 6 triệu trẻ em và vị thành niên, và 2,8 triệu phụ nữ mang thai và trẻ em mới sinh, bị tử vong do các bệnh có thể ngăn ngừa và chữa trị được.

Theo kết quả cuộc khảo sát của WHO thực hiện cuối năm ngoái tại hơn 150 quốc gia, các dịch vụ y tế quan trọng ở hầu hết các nước đều bị gián đoạn do COVID-19. Khoảng 70% dịch vụ tiêm chủng định kỳ ở các nước được khảo sát chịu tác động, tiếp đó là dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (68%), chẩn đoán và điều trị ung thư (55%), dịch vụ cấp cứu (25%).

Đặc biệt, COVID-19 khiến hoạt động điều trị những bệnh không truyền nhiễm giảm đáng kể. Trong số 155 quốc gia được WHO khảo sát, 53% cho thấy sự gián đoạn một phần hoặc toàn bộ những dịch vụ điều trị các bệnh tăng huyết áp, 49% với bệnh tiểu đường, 42% với ung thư và 31% với những trường hợp khẩn cấp về tim mạch.

WHO cảnh báo rằng sự chậm trễ đáng kể ở bất kỳ dịch vụ nào cũng có thể dẫn đến tác động tiêu cực lâu dài cho sức khỏe dân số.

Đáng báo động nhất là các chương trình tiêm chủng vaccine thông thường. Theo đánh giá của Quỹ Bill & Melinda Gates, chỉ trong 25 tuần đầu tiên sau khi xuất hiện, đại dịch COVID-19 đã khiến thế giới thụt lùi tới 25 năm liên quan đến các chương trình tiêm chủng này. Đại dịch khiến hơn 60 quốc gia phải tạm ngưng các chiến dịch tiêm chủng diện rộng, ảnh hưởng tới 228 triệu người, phần lớn trong số đó là trẻ em tại châu Phi.

[Dịch COVID-19: EU lên kế hoạch chuẩn bị cho "kỷ nguyên đại dịch"]

Năm 2020, đã có thêm 3,5 triệu trẻ em bỏ lỡ mũi tiêm đầu tiên vaccine tổng hợp bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTP), trong khi 3 triệu trẻ em đã bỏ lỡ mũi tiêm phòng bệnh sởi đầu tiên. Điều đáng lo ngại hơn nữa là có tới 17 triệu trẻ em - đa số sống tại các khu vực đang xảy ra xung đột, những vùng hẻo lánh hoặc các khu ổ chuột, hầu như không được tiêm bất cứ loại vaccine nào trong năm 2020. Điều này càng làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu bật một thực trạng rằng khi các nước ra sức tìm nguồn cung cấp vaccine ngừa COVID-19, thì thế giới lại đang tụt hậu trong việc tiêm chủng những loại vaccine khác, khiến trẻ em có nguy cơ cao bị mắc các bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa được như sởi, bại liệt hoặc viêm màng não.

Chương trình tiêm phòng các loại vaccine cần thiết năm 2020 bị gián đoạn đã khiến dịch sởi bắt đầu bùng phát ở Pakistan.

Dịch bệnh COVID-19 đang gây ra cuộc khủng hoảng y tế mới ảnh 2Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ em tại Banda Aceh, Indonesia năm 2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tình trạng tiêm chủng không đầy đủ để phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà cho trẻ em ở Ấn Độ, Pakistan, Indonesia, Philippines, Mexico, Angola, Tanzania, Mozambique, Argentina, Venezuela và Mali cũng là vấn đề đáng lo ngại.

Thực trạng này đang đe dọa "đảo ngược" những thành quả tiêm chủng của thế giới. Trước đại dịch COVID-19, thế giới đã đạt được những tiến bộ to lớn trong việc đảm bảo trẻ em được tiêm phòng.

Năm 2018, 86% trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu đã được tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà và một liều phòng sởi, tăng từ 72% của năm 2000 và 20% vào năm 1980. Số lượng trẻ em bị liệt do bại liệt đã giảm 99,9% trên toàn thế giới.

Như đánh giá của Giám đốc UNICEF Henrietta Fore: "Đại dịch COVID-19 và những sự gián đoạn liên quan tình hình dịch bệnh này đã khiến chúng ta bị mất đi nhiều nền tảng quan trọng". Bà đồng thời cảnh báo rằng nếu tình trạng này tiếp diễn "hậu quả sẽ phải trả bằng cuộc sống và hạnh phúc của những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất."

Tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nhập viện tăng cao cũng ảnh hưởng tới việc chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân khác.

Tại Anh, trong giai đoạn đỉnh điểm của làn sóng dịch thứ hai hồi tháng Tư năm ngoái, Cơ quan dịch vụ y tế công (NHS) vùng England đã phải cho dừng mọi ca phẫu thuật theo chỉ định trong suốt nhiều tháng để tập trung nguồn lực khi virus SARS-CoV-2 như trận “đại hồng thủy” quét ngang châu Âu, kể cả các ca phẫu thuật ung thư và tim khẩn cấp vốn được đánh giá phải được thực hiện trong vòng 28 ngày.

Câu chuyện ở Anh xảy ra khá phổ biến trên thế giới trong đại dịch. Nhiều người bệnh không dám đến bệnh viện do lo sợ sẽ lây nhiễm COVID-19, trong khi người mắc bệnh khác cần được điều trị lại phải chờ rất lâu, dẫn đến việc khám và điều trị bị trì hoãn, thậm chí nhiều trường hợp đã tử vong.

Tại Anh, số ca ung thư phát hiện sớm ở giai đoạn một - vốn là thời điểm tốt nhất để bệnh nhân được điều trị và sống sót, đã giảm tới hơn 30% trong những tháng đầu đại dịch bùng phát so với cùng kỳ năm trước.

Tại Nam Phi, trong suốt thời gian phong tỏa chống dịch năm ngoái, số ca chẩn đoán lao ở nước này giảm tới 33%. Số lượng bệnh nhân lao và HIV nhận thuốc theo lịch hẹn cũng giảm. Việc không tuân thủ quy định điều trị cuối cùng dẫn đến nguy cơ kháng thuốc, khiến chi phí điều trị cao hơn.

WHO cảnh báo rằng việc gián đoạn tiếp cận dịch vụ y tế, đặc biệt là chương trình tiêm chủng cho trẻ em, có nguy cơ dẫn tới những đợt bùng phát dịch bệnh và đây sẽ là thảm họa đối với các cộng đồng và hệ thống y tế đang phải chống chọi với COVID-19.

Một nghiên cứu của WHO chỉ ra rằng mức độ bao phủ dịch vụ y tế giảm 15% sẽ dẫn tới tăng 9,8% số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi (tương đương 1.400 trẻ mỗi ngày), và tăng 8,3% số ca tử vong ở bà mẹ. Trong tình huống xấu nhất, khi can thiệp y tế giảm 45%, số ca trẻ em dưới 5 tuổi tử vong có thể tăng 44,7% và tỷ lệ tăng này ở bà mẹ là 38,6% mỗi tháng.

Các can thiệp này bao gồm kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc trước sinh và sau sinh, sinh nở, tiêm chủng vaccine và các dịch vụ phòng ngừa và điều trị. Nghiên cứu của WHO cho thấy vì bất kỳ lý do gì, khi chăm sóc y tế thường xuyên bị gián đoạn, số ca tử vong ở bà mẹ và trẻ em sẽ tăng lên.

Dịch bệnh COVID-19 đang gây ra cuộc khủng hoảng y tế mới ảnh 3Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Tokyo, Nhật Bản (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore nhấn mạnh rằng: “Đại dịch COVID-19 tiếp tục đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với sức khỏe toàn cầu bên cạnh tác động của chính căn bệnh này," song "chúng ta không thể để cuộc chiến chống lại COVID-19 làm suy yếu cuộc chiến chống lại bệnh sởi, bệnh bại liệt hoặc các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine," bởi điều này sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng y tế mới về lâu dài, và "chúng ta không thể đánh đổi cuộc khủng hoảng y tế này bằng một cuộc khủng hoảng y tế khác."

Trước tình hình trên, WHO kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực để ngăn chặn "cuộc khủng hoảng y tế mới," thông qua việc điều chỉnh, phân bổ hợp lý, đảm bảo rằng các chiến lược kiểm soát COVID-19 nằm trong các chiến lược cân bằng để giải quyết các ưu tiên y tế khác và đảm bảo tất cả mọi người, kể cả những người dễ bị tổn thương nhất, được tiếp tục tiếp cận với dịch vụ chăm sóc toàn diện.

WHO cũng tiếp tục cung cấp hỗ trợ để các quốc gia có thể duy trì những dịch vụ y tế thiết yếu trong thời kỳ đại dịch và thúc đẩy tiến độ bao phủ sức khỏe toàn dân. Riêng với chương trình tiêm chủng vaccine, WHO, UNICEF và các đối tác khác đã khởi động Chương trình tiêm chủng 2030 (IA2030), với mục tiêu tới năm 2030 đạt 90% trẻ em và thanh thiếu niên được tiêm vaccine thiết yếu; giảm 1/2 số trẻ em hoàn toàn không được tiêm vaccine...

Điều quan trọng là tất cả cần hành động khẩn trương bởi những biện pháp này không chỉ giải quyết các thách thức mà đại dịch đặt ra và các tác động gián tiếp đối với hệ thống y tế toàn cầu, mà còn định hình một kế hoạch rõ ràng để xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn khi đại dịch dần được đẩy lùi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục