Dịch COVID-19: Nam Phi nâng mức phong tỏa toàn quốc lên cấp độ 4

Đây là lần thứ 3 trong vòng gần một tháng qua, chính phủ Nam Phi đã phải nâng mức phong tỏa toàn quốc vì dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
 Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Richmond, Johannesburg, Nam Phi, ngày 18/12/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Richmond, Johannesburg, Nam Phi, ngày 18/12/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát dữ dội với trung bình hơn 15.000 ca mắc mới mỗi ngày, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ngày 27/6 đã quyết định nâng mức phong tỏa toàn quốc lên cấp độ 4 – dưới cấp độ cao nhất 1 bậc – với việc thắt chặt các quy định để đề phòng sự lây nhiễm trong vòng 14 ngày tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, trong bài phát biểu trước toàn dân được phát trực tiếp trên truyền hình, Tổng thống Ramaphosa nhấn mạnh các biện pháp ngăn chặn lây lan đang áp dụng hiện tại không đủ để kiềm chế sự gia tăng các ca bệnh hàng ngày, nhất là khi số lượng ca bệnh do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 được xác định đầu tiên ở Ấn Độ, gây ra đang hoành hành tại đây.

Đây là lần thứ 3 trong vòng gần 1 tháng qua, chính phủ Nam Phi đã phải nâng mức phong tỏa toàn quốc vì dịch bệnh COVID-19.

Trước đó ngày 30/5, Nam Phi nâng mức phong tỏa toàn quốc từ cấp độ 1 lên cấp độ 2 trước nguy cơ đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 3.

Đến 15/6, lại một lần nữa, chính phủ phải ra quyết định nâng mức phong tỏa toàn quốc từ cấp độ 2 lên cấp độ 3 vì số ca mắc COVID-19 tăng nhanh chóng.

Theo quy định, với mức phong tỏa toàn quốc cấp độ 4 lần này, tất cả các cuộc tụ tập, trong nhà và ngoài trời đều bị cấm.

Các địa điểm công cộng như bãi biển và công viên vẫn mở cửa nhưng người dân không được phép tụ tập.

Giờ giới nghiêm sẽ được thực hiện từ 21 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau. Các cơ sở không thiết yếu sẽ phải đóng cửa lúc 20 giờ.

Các nguồn tin cho biết Bộ trưởng Bộ Giáo dục phổ thông Angie Motshekga sẽ cân nhắc thời điểm các trường học phải đóng cửa.

[Biến thể Delta lây lan mạnh, thế giới ghi nhận gần 182 triệu ca nhiễm]

Tổng thống Ramaphosa nhấn mạnh: “Việc bán đồ uống có cồn - cả uống tại chỗ và mang về - đều bị cấm.”

Ông cho biết biến thể Delta dễ lây lan hơn nên các biện pháp kiềm chế dịch bệnh mà quốc gia này đang áp dụng đã không còn tác dụng. Chính vì vậy, chính phủ Nam Phi quyết định cần bổ sung các biện pháp phòng ngừa.

Nhận định làn sóng lây nhiễm thứ 3 hiện tại đang tàn phá đất nước khốc liệt hơn những làn sóng trước, ông Ramaphosa kêu gọi người dân Nam Phi tiếp tục cẩn thận, nghiêm túc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

Bài phát biểu của Tổng thống Ramaphosa được đưa ra sau một loạt các cuộc họp của chính phủ với cơ quan y tế nhằm xem xét các biện pháp ứng phó với biến thể Delta và sự gia tăng các ca bệnh trong suốt 2 ngày cuối tuần.

Bộ Y tế Nam Phi cho biết đến ngày 27/6 cả nước đã có 1.928.897 ca dương tính với COVID-19. Chỉ trong vòng 24h, từ thứ Bảy sang Chủ nhật, Nam Phi ghi nhận 15.036 trường hợp mới ca mắc mới. Tổng số ca tử vong là 59.900 người.

Trước đó, các nhà khoa học đã nhận định các trường hợp mắc COVID-19 mới đây đang tăng mạnh do biến thể Delta gây ra.

Tỉnh Gauteng, địa phương có thủ đô hành chính Pretoria và thành phố lớn nhất Nam Phi Johannesburg, hiện là tâm dịch trong làn sóng thứ 3 này.

Số ca dương tính với COVID-19 tại Gauteng tính đến ngày 26/6 là 78.359, theo sau là Western Cape với 15.612 ca ở Western Cape.

Trước tình hình đáng lo ngại, nhiều cơ quan và tổ chức tại Nam Phi đã kêu gọi chính phủ xem xét nâng mức phong tỏa toàn quốc, thực hiện các quy định kiềm chế dịch bệnh lây lan chặt chẽ hơn.

Liên quan đến tình hình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, Nam Phi lên kế hoạch sẽ tiến hành tiêm cho nhóm người từ 50 đến 59 tuổi bắt đầu từ 1/7 sau khi đã tiến hành ưu tiên cho nhóm dân số trên 60 tuổi.

Việc triển khai tiêm vaccine quốc gia này được đánh giá là rất chậm. Cho đến nay, mới chỉ có 2,7 triệu liều vaccine được tiêm trên tổng dân số 60 triệu người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục