Xuất hiện trong một thời gian ngắn gần đây, dịch vụ taxi Uber đã "gây bão” trong các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi với sự thuận tiện, rẻ hơn và dễ kết nối hơn so với các hãng taxi truyền thống.
Tuy nhiên, dịch vụ “lạ” này lại đang là tâm điểm bàn cãi khi Bộ Giao thông Vận tải đã phải mời ba Bộ là Công an, Tài chính và Thông tin truyền thông vào cuộc kiểm tra, làm rõ về tính pháp lý của Uber.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.
- Với vai trò là Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, ông đánh giá thế nào về dịch vụ taxi Uber mà nhiều người dân Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang sử dụng?
Ông Khuất Việt Hùng: Sau khi có dịch vụ Uber, chúng tôi đã nghiên cứu và khẳng định, đây là dịch vụ hỗ trợ vận tải. Dịch vụ này đã được quy định trong luật giao thông đường bộ. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải ở Việt Nam sau khi đăng ký kinh doanh thì có thể sử dụng dịch vụ vận tải.
Hiện nay, trên trang web của Uber bằng tiếng Việt vẫn ghi là Uber thực hiện theo quy định pháp luật của Hà Lan và sử dụng tòa án Amsterdam để xử lý các tranh chấp giữa Uber và những người mua bán dịch vụ thông qua Uber.
Chúng tôi tin tưởng rằng nếu dịch vụ Uber đăng ký kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam đối với các cơ quan quản lý của Việt Nam thì hoàn toàn đủ điều kiện về mặt pháp lý để cung ứng dịch vụ hỗ trợ vận tải ở nước ta.
Đối với đơn vị tổ chức, cá nhân, muốn bán dịch vụ vận tải của mình thông qua Uber, cho đến thời điểm hiện nay, thông qua luật pháp hiện hành, luật giao thông đường bộ thì chỉ có 5 đơn vị vận tải, loại hình vận tải có giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ôtô thì đủ điều kiện bán dịch vụ cho Uber.
Chúng ta phải xác định rằng Uber không chịu trách nhiệm về an toàn, dịch vụ vận tải mà chính người cung cấp dịch vụ vận tải thông qua Uber phải chịu trách nhiệm. Như vậy, những người cung cấp dịch vụ vận tải qua Uber thì phải có đủ điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định pháp luật bởi vì kinh doanh vận tải hành khách là loại hình vận tải có điều kiện.
- Theo các quy định hiện nay, các doanh nghiệp taxi có thể chuyển sang sử dụng Uber được không? Còn các doanh nghiệp, cá nhân chưa đăng ký hoạt động vận tải hành khách sử dụng Uber có bị xử lý?
Ông Khuất Việt Hùng: Các tổ chức, các nhân cung ứng dịch vụ vận tải của mình qua Uber thì là những tổ chức cá nhân có đầy đủ điều kiện kinh doanh vận tải theo Nghị định 86 thì có thể cung ứng dịch vụ của mình qua Uber nhưng với điều kiện Uber là đơn vị đăng ký kinh doanh cung ứng dịch vụ hỗ trợ dịch vụ vận tải ở Việt Nam.
Hiện nay, qua dịch vụ Uber có hình thức đi chung xe, những người mong muốn kinh doanh, tức là bán dịch vụ của mình để thu tiền khi tham gia giao thông thì trước tiên nên đăng ký kinh doanh và có giấy phép kinh vận tải bằng xe ôtô. Những đơn vị vận tải bằng xe taxi, vận tải hành khách hợp đồng, vận tải khách du lịch, hoàn toàn có thể bán dịch vụ của mình qua Uber. Tất nhiên là các đơn vị ấy và Uber phải có hợp đồng phù hợp với lợi ích của hai bên, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ khẩn trương nghiên cứu báo cáo Chính phủ để hướng dẫn cho những người muốn cung ứng dịch vụ đi chung xe. Còn lại, chúng tôi khuyến khích có phương tiện kinh doanh vận tải đăng ký kinh doanh để họ bán dịch vụ vận tải qua Uber hoặc bất kỳ sàn giao dịch điện tử hỗ trợ vận tải nào đăng ký hợp pháp tại Việt Nam.
- Vậy, các cơ quan Nhà nước sẽ phải làm gì để dịch vụ taxi Uber thực sự trở thành một dịch vụ kinh doanh hợp pháp, thưa ông?
Ông Khuất Việt Hùng: Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp cùng bộ ngành Trung ương trình Chính phủ những đề xuất để tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất để dịch vụ đi chung xe là có thể được chính thức. Trách nhiệm của Nhà nước là có văn bản.
Việc cung ứng dịch vụ vận tải thông qua cái sàn điện tử như hình mẫu Uber, có thể nói ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ vận tải sẽ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của mình với cái mức chi phí hơn, thời gian chờ đợi ngắn, thuận tiện đi lại hơn.
Tuy nhiên, các tổ chức cá nhân muốn cung ứng dịch vụ vận tải thông qua dịch vụ Uber phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Uber chỉ cần đăng ký ở Việt Nam, có doanh thu phát sinh từ lãnh thổ Việt Nam thì phải đăng ký kinh doanh theo đúng quy định pháp luật và cái này khi kinh doanh ở bất kỳ ở quốc gia nào thì cũng phải thực hiện.
- Theo quan điểm cá nhân, ông có đánh giá dịch vụ này sẽ góp phần thúc đẩy xã hội hóa, phát triển dịch vụ vận tải?
Ông Khuất Việt Hùng: Với tư cách là một cơ quan giúp việc cho Thủ tướng Chính phủ về công tác đảm bảo an toàn giao thông, trước tiên, tôi khẳng định, các đơn vị kinh doanh vận tải ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy nhanh khả năng tiếp xúc giữa dịch vụ của mình với khách hàng, tạo thuận lợi trong việc đặt chỗ, giảm thời gian giao dịch, giảm chi phí, thì đó là ứng dụng tốt cho người dân.
Tuy nhiên, chúng tôi có trách nhiệm kiến nghị với các bộ ngành, cần có những hướng dẫn cần thiết đầy đủ để đảm bảo dịch vụ, người cung cấp dịch vụ vận tải thông qua dịch vụ Uber đến cho người dân là đúng quy định pháp luật và an toàn về mặt giao thông, đảm bảo an ninh chung cho quyền lợi của người sử dụng dịch vụ và cho toàn xã hội. Như vậy là để bảo vệ công dân, tổ chức Việt Nam khi sử dụng dịch vụ của các đơn vị này./.