'Điểm tựa xanh biên cương' - tôn vinh cống hiến của Bộ đội Biên phòng

Với gần 40 bài viết thuộc các thể loại báo chí khác nhau, cuốn sách “Điểm tựa xanh biên cương” viết về hoạt động của những cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng trong nhiều năm gần đây.

'Điểm tựa xanh biên cương' - tôn vinh cống hiến của Bộ đội Biên phòng ảnh 1Cuốn sách “Điểm tựa xanh biên cương” của nhà báo Nguyễn Viết Tôn. (Nguồn: Vietnam+)

Nhân kỷ niệm 64 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959-3/3/2023), Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ra mắt cuốn sách với tựa đề “Điểm tựa xanh biên cương” của nhà báo Nguyễn Viết Tôn (Thông tấn xã Việt Nam).

Với gần 40 bài viết thuộc các thể loại báo chí khác nhau, từ phản ánh, ghi chép, phóng sự, phỏng vấn…, cuốn sách dày 272 trang viết về hoạt động của những cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng trong nhiều năm gần đây.

Đó đều là những vấn đề theo dòng thời sự, hoạt động nổi bật, quan trọng của lực lượng bộ đội biên phòng, không quản ngày đêm, mưa gió, rét buốt, nắng cháy da thịt… để bảo vệ vững chắc từng tấc đấc, tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc.

[Bộ đội biên phòng xây vững "thế trận lòng dân" ở khu vực biên giới]

Cuốn sách “Điểm tựa xanh biên cương” được kết cấu thành 4 phần, gồm: “Cuộc chiến với COVID-19,” “Bộ đội Biên phòng với nhân dân biên giới”; “Trên trận chiến chống tội phạm”; “Sự cần thiết của Luật Biên phòng Việt Nam.”

Phần “Cuộc chiến với COVID-19” với loạt bài viết phản ánh kịp thời, đa chiều, sinh động, sâu sắc về hoạt động của những người lính quân hàm xanh nơi tuyến đầu Tổ quốc trong suốt hơn 2 năm cả nước gồng mình, căng sức chống đại dịch.

Đó là hoạt động của hơn 1.700 tổ, chốt dọc tuyến biên giới với hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ ngày đêm không quản mưa nắng, giá rét, trực tiếp làm nhiệm vụ gác trực, tuần tra quản lý, bảo vệ biên giới, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép.

Đó còn là sự sẵn sàng chi viện cho các điểm nóng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”; sự hy sinh lặng thầm của các chiến sĩ khi “hoãn cưới” để chống dịch, hay những người mang quân hàm xanh kìm nén đau thương, đội khăn tang lập bàn thờ bái vọng người thân quá cố từ xa, bởi không thể về chịu tang do thực hiện nhiệm vụ phòng, chống đại dịch…

Cuốn sách có nhiều phóng sự, ghi chép dày công, tâm huyết, thấm đẫm hơi thở cuộc sống, về nhiều sự kiện, hoạt động của “lính quân hàm xanh.”

Đó là “Ký ức tháng Hai nơi biên giới” phía Bắc năm 1979, “Hồi ức tháng Hai nơi biên cương phía Bắc”; “Sự hồi sinh nơi từng là vùng đất chết” trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc tháng 1/1979; hay phản ánh sống động sắc “Xuân về trên ngã ba biên giới”, “‘Ba cùng’ với đồng bào biên giới Tây Nguyên,” “Lá chắn thép’ phòng chống xuất, nhập cảnh vùng biên giới”; “Lật tẩy thủ đoạn tội phạm xuyên biên giới”...

Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chính ủy Bộ đội Biên phòng, đánh giá tập phóng sự-ghi chép “Điểm tựa xanh biên cương” của nhà báo Nguyễn Viết Tôn là những tư liệu thời sự-chính luận quý, phản ánh thực tiễn cống hiến của lực lượng Bộ đội Biên phòng - người chiến sỹ gánh trên vai sứ mệnh quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia suốt hơn 60 năm qua.

“Là người gắn bó với màu quân hàm xanh đã gần 40 năm, từng trải qua nhiều cương vị công tác, tôi tự hào về những chiến công của các đơn vị, cá nhân trong lực lượng Bộ đội Biên phòng được nhà báo Nguyễn Viết Tôn phản ánh trong tập sách. Càng tự hào và thấm thía hơn về con đường mà chính tôi đã chọn, đã trải qua trên những nẻo đường biên giới thân yêu,” Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục