Những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện khiến thế giới phải đối phó với nhiều làn sóng dịch nối tiếp nhau, đợt bùng phát trước chưa kết thúc, làn sóng tiếp theo đã ập tới, gây quá tải hệ thống y tế ở nhiều quốc gia, kể cả các nước phát triển.
Từ thực tế đó, mô hình điều trị bệnh nhân COVID-19 (F0), chủ yếu là những người mắc bệnh ở thể nhẹ, không triệu chứng đã được áp dụng tại Mỹ, Pháp và một số nước châu Âu từ năm 2020, sau đó được nhiều quốc gia châu Á và châu Phi học hỏi.
Đây đang được xem là giải pháp hiệu quả và bền vững nhằm giảm tải gánh nặng cùng nhiều nguy cơ khác cho hệ thống y tế, đồng thời đảm bảo tất cả người mắc bệnh đều được tiếp cận chăm sóc y tế đầy đủ.
Yếu tố đầu tiên trong việc điều trị F0 tại nhà là bảo đảm an toàn. Campuchia đã triển khai mô hình điều trị bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không có biểu hiện rõ rệt tại nhà từ tháng Tư năm nay, khi các ca mắc tăng nhanh mỗi ngày sau “sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2.”
Mô hình này ban đầu được áp dụng chủ yếu ở thủ đô. Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân và đánh giá điều kiện cơ sở vật chất tại nhà riêng nhằm tránh nguy cơ lây lan sang các hộ gia đình lân cận.
Theo Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Ngov Kang, những người được phép điều trị tại nhà phải trong tình trạng sức khỏe ổn định và đảm bảo điều kiện cách ly. Việc điều trị tại nhà cũng được thực hiện trên cơ sở tự nguyện và người bệnh không phải là người nghèo, có thể tự đảm bảo cuộc sống khi thực hiện biện pháp này.
Hiện, Campuchia đã cho phép các phòng khám tư nhân có thể điều trị bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ tại nhà nếu các đơn vị được cấp phép tuân thủ nghiêm những quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Việc chăm sóc sức khỏe từ xa cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà được thực hiện nhờ công nghệ.
Ấn Độ áp dụng hình thức điều trị trực tuyến hoặc qua điện thoại, theo đó bệnh nhân cần mở sổ theo dõi sức khỏe điện tử, khai báo thường xuyên, chính xác thông tin diễn biến sức khỏe hằng ngày để các bác sỹ có thể chẩn đoán kịp thời và đưa ra hướng điều trị phù hợp. Trong trường hợp cần thiết, bác sỹ sẽ chỉ định các loại thuốc điều trị cụ thể.
Mô hình cho F0 điều trị tại nhà đang được thúc đẩy ở Hàn Quốc trong bối cảnh số ca mắc mới theo ngày ở nước này lần đầu tiên đã vượt 7.000 ca, khiến tình trạng thiếu giường điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng trở nên cấp bách.
Các trung tâm quản lý chữa bệnh tại nhà của mỗi bệnh viện ở Hàn Quốc luôn có nhân viên, chuyên gia y tế thường trực 24/7, thực hiện tư vấn qua điện thoại, video trực tuyến và sẵn sàng điều động nhân lực tham gia cấp cứu bệnh nhân bất kỳ lúc nào
Tại Nam Phi, nhân viên y tế quản lý bệnh nhân điều trị ở nhà qua điện thoại. Bệnh nhân có nhiệm vụ báo cáo chi tiết về tình trạng sức khỏe theo đúng yêu cầu của cơ quan y tế, đồng thời thực hiện cách ly nghiêm ngặt để tránh lây lan virus ra cộng đồng.
Các chuyên gia y tế thường xuyên trao đổi, cập nhật, tư vấn, hướng dẫn người bệnh tự theo dõi sức khỏe.
[Nỗ lực tìm ra những "ẩn số" đối với nhóm người mắc "Long COVID"]
Tại Nga, sau khi tiếp nhận thông báo về ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, bác sỹ sẽ tới thăm khám trực tiếp để xác định bệnh nhân thuộc diện điều trị tại nhà hay phải nhập viện.
Nếu điều trị tại nhà, bác sỹ sẽ kê đơn thuốc và yêu cầu bệnh nhân phải nghiêm túc cách ly. Bệnh nhân cũng phải tải về ứng dụng giám sát cách ly trên điện thoại di động và mỗi ngày đều phải khai báo vào thời điểm ứng dụng này yêu cầu.
Ứng dụng này sẽ tự động không kích hoạt khi người mắc COVID-19 khỏi bệnh và hoàn tất quá trình cách ly 14 ngày sau đó.
Riêng ở thành phố Moskva còn có tổ chức tình nguyện “Chúng ta cùng nhau” thường hỗ trợ, giúp đỡ người cao tuổi, người thiểu năng, đơn thân mắc bệnh phải cách ly tại nhà.
Giới chức y tế nhiều nước cũng đã khuyến nghị người dân chuẩn bị các dụng cụ thiết bị y tế cơ bản hỗ trợ công tác điều trị tại nhà như nhiệt kế, máy đo huyết áp, cũng như trang thiết bị bảo hộ như khẩu trang, kính chắn giọt bắn, nước sát khuẩn để có thể sẵn sàng chăm sóc người nhà khi mắc bệnh.
Bên cạnh đó là một số loại thuốc cơ bản như thuốc hạ sốt và vitamin giúp tăng cường sức đề kháng. Bộ Y tế Nga đã lập một danh sách các loại thuốc cũng như hướng dẫn điều trị và công bố công khai trên các trang thông tin đại chúng để người dân có thể dễ dàng truy cập.
Giới chuyên gia cũng khuyến khích bệnh nhân bình tĩnh, duy trì tâm lý thoải mái, để có thể trở thành “bác sỹ thông thái” tại nhà cho chính mình và người thân. Sự chuẩn bị kỹ càng cả về phương tiện chữa bệnh và tinh thần là yếu tố quan trọng giúp người bệnh chủ động, tích cực tự điều trị và khỏi bệnh.
Nhằm giúp bệnh nhân bớt lo lắng khi điều trị tại nhà, Hàn Quốc lên kế hoạch mở rộng cơ sở y tế quản lý bệnh nhân điều trị tại nhà từ cấp bệnh viện đến các trung tâm y tế, bổ sung hệ thống hỗ trợ tư vấn về sức khỏe tinh thần cho bệnh nhân.
Thông qua những hình thức thăm khám, tư vấn điều trị và giám sát chặt chẽ từ xa, bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng như sốt cao liên tục, khó thở, tức ngực, hụt hơi… sẽ được yêu cầu nhập viện để kịp thời điều trị.
Sự phối kết hợp chặt chẽ và nhịp nhàng như vậy giúp các bệnh nhân yên tâm chữa trị và tại nhiều nơi, biện pháp này đã đem lại hiệu quả. Kể từ khi Bộ Y tế Campuchia công bố bộ nguyên tắc điều trị tại nhà (SOP) vào cuối tháng Tư, tính đến tháng Tám, đã có hơn 1.300 bệnh nhân được điều trị theo hướng này và khoảng 268 người trong số đó đã bình phục hoàn toàn.
Tại Hàn Quốc, thống kê của một bệnh viện tại thủ đô Seoul cho thấy trong số 298 bệnh nhân COVID-19 do bệnh viện này phụ trách chữa trị tại nhà có 93% (278 ca) đã khỏi bệnh và chỉ có 6,7% (20 ca) phải di chuyển đến bệnh viện để điều trị do sau 3 ngày không thuyên giảm, với các triệu chứng chủ yếu vẫn là viêm họng, ho và sốt.
Chỉ có duy nhất 1 trường hợp lây chéo trong gia đình là giữa mẹ và con. Phương pháp này cũng đã giúp Nga giảm số bệnh nhân nhập viện, các bệnh viện chỉ phải tập trung chăm sóc cho các trường hợp nguy kịch và qua đó giảm gánh nặng cho ngành y tế trong đại dịch.
Giới chuyên gia nhận định dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt khi mà biến thể mới vẫn liên tục xuất hiện. Mới đây nhất là biến thể Omicron đã lây lan ra gần 60 quốc gia trên toàn cầu.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo số bệnh nhân cần nhập viện vì biến thể này có thể gia tăng. Do đó, việc áp dụng mô hình điều trị tại nhà đối với những bệnh nhân thể nhẹ ngày càng cho thấy hiệu quả.
Ông Dedi Gilad, Giám đốc điều hành và là người đồng sáng lập công ty công nghệ điều trị từ xa Tyto Care (Israel) đánh giá mô hình này không chỉ góp phần giảm bớt sự căng thẳng của hệ thống y tế, mà còn giúp giảm rủi ro cho các bệnh nhân khác, cũng như bảo vệ đội ngũ y tế, nhân viên tuyến đầu khỏi nguy cơ lây nhiễm cao vì luôn trong tình trạng quá tải.
Người bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được chăm sóc sức khỏe tại nhà tạo sự thoải mái về tâm lý, có thể sớm bình phục. Nguồn lực và điều kiện chăm sóc chuyên môn tốt nhất của nhân viên y tế tại tại các bệnh viện được tập trung cho những người mắc bệnh nặng, nguy kịch, qua đó có thể giảm tối đa tỷ lệ tử vong.
Như đánh giá của ông Park Hyang, quan chức cấp cao của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, thành công của kế hoạch "Sống chung với COVID-19" mà Hàn Quốc đang triển khai phụ thuộc vào chương trình điều trị tại nhà.
Với chiến dịch bao phủ vaccine cùng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, mô hình điều trị bệnh nhân COVID-19 nhẹ hoặc không triệu chứng tại nhà đang cho thấy là hướng đi phù hợp và đem lại hiệu quả khi các nước chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh./.