Định giá của thị trường chứng khoán đã về mức trung bình của 5 năm

Theo các chuyên gia, trong tháng Tư, VN-Index đã giảm 8,4% điểm, do đó khả năng đi xuống tiếp của chỉ số này trong tháng Năm là khó có thể xảy ra.
Định giá của thị trường chứng khoán đã về mức trung bình của 5 năm ảnh 1Thị trường chứng khoán đã ghi nhận tuần thứ tư liên tiếp trong chuỗi điều chỉnh giảm kéo dài. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tuần qua, thị trường chứng khoán đã ghi nhận tuần thứ tư liên tiếp trong chuỗi điều chỉnh giảm kéo dài, thanh khoản cũng suy yếu so với tuần trước đó và đánh dấu tuần thứ bảy liên tiếp thấp hơn mức trung bình 20 tuần.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 12,43 điểm (-0,9%) và xuống 1.366,8 điểm. Song, HNX-Index đã lấy lại đà tăng với 6,71 điểm (+1,9%) và lên 365,83 điểm.

Giá trị giao dịch giảm

Trên sàn HoSE, hoạt động giao dịch diễn ra khá thận trọng với thanh khoản 89.612 tỷ đồng và giảm xấp xỉ 24% so với tuần trước (tương ứng 3.094 triệu cổ phiếu, giảm 20%). Cùng với đó, giá trị giao dịch trên HNX đạt 10.312 tỷ đồng, giảm 19% (tương ứng 454 triệu cổ phiếu và giảm 14,6%).

Đáng chú ý, thị trường có phiên lao dốc không phanh ngày đầu tuần và giảm 5% giá trị vốn hóa. Nhưng về những phiên cuối tuần, thị trường đã nhanh chóng hồi phục, nhờ đó rút ngắn được khoảng cách rơi của VN-Index trong cả tuần.

Trên thị trường, nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin có mức giảm mạnh nhất trong tuần với 4,4% giá trị vốn hóa, trong bối cảnh các nhà đầu tư chốt lời mạnh mẽ tại các mã tiêu biểu như FPT (-4,9%), CMG (-6,3%)...

Kế đến là nhóm tiện ích cộng đồng có mức giảm 3,5% từ các mã cổ phiếu chi phối như GAS (-6,1%), POW (-1,1%)... Bên cạnh đó, nhóm dịch vụ tiêu dùng cũng giảm 3,2% giá trị vốn hóa, chủ yếu đến từ sự điều chỉnh của nhóm cổ phiếu hàng không, như VJC (-5,4%), HVN (-0,9%)... và các cổ phiếu bán lẻ như MWG (-5%), DGW (-1,7%)...

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng cũng sụt giảm tương đối với 2,2% giá trị, chủ yếu đến từ các mã VNM (-1,7%), SAB (-5,5%)... Ngành “trụ cột” thị trường là ngân hàng cũng nằm trong xu thế với mức giảm 1,7% tạo ra áp lực điều chỉnh lên thị trường, có thể kể đến VCB (-1,9%), BID (-2,9%), CTG (-4,8%), TCB (-2,2%), MBB (-1%)...

Lội dòng nước ngược, nhóm cổ phiếu ngành tài chính lấy lại sắc xanh, tăng 1,7% giá trị vốn hóa và nhóm công nghiệp có thêm 1,3% giá trị.

Định giá của thị trường chứng khoán đã về mức trung bình của 5 năm ảnh 2(Nguồn: SHS)

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai VN30 đang thấp hơn so với chỉ số cơ sở từ 1 đến 13 điểm, điều này cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang nghiêng về khả năng thị trường có thể điều chỉnh trong thời gian tới.

Giá cổ phiếu đã tăng theo số “lần”

Lý giải nguyên nhân diễn biến thị trường chứng khoán có xu hướng giảm từ đầu tháng Tư và rơi mạnh trong phiên đầu tuần, ông Hồ Ngọc Việt Cường, Phó Phòng phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội, cho rằng hai năm vừa qua (giai đoạn 2020-2021) thị trường chứng khoán tăng trưởng rất mạnh trong bối cảnh cả xã hội phải đương dầu với dịch bệnh và nền kinh tế đến nay vẫn chưa thực sự khởi sắc. Trong khi đó, dòng tiền của nhà đầu tư mới (F0) đổ vào thị trường chứng khoán rất lớn, khiến thị trường bùng nổ trong thời gian qua.

Sang đến giai đoạn này, nhu cầu điều chỉnh xuống là rất lớn. Bởi, nhiều dòng cố phiếu đã có mức giá tăng cao bằng số lần. Do đó, thị trường chứng khoán cần phải tích lũy lại và tìm điểm cân bằng mới (để đà tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết theo kịp với đà tăng giá cổ phiếu).

Một lý do khác cũng được ông Cường chỉ ra, đó là dòng tiền của nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường gần đây rất mạnh. Dòng tiền này gần như thiếu tính ổn định và dễ ảnh hưởng khi tâm lý nhà đầu tư dao động. Cụ thể, thị trường chứng khoán trong sáu tháng vừa qua có diễn biến gần như đi ngang, theo đó cơ hội “lướt sóng” cũng ít dần, khiến tâm lý các nhà đầu tư mới có xu hướng rút ra.

Phân tích thị trường tuần qua, ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội, cho rằng thanh khoản trên thị trường suy giảm song trong bối cảnh trước kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày là điều khá bình thường và đã từng xảy ra trước đó. Điểm tích cực là các nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì trạng thái mua ròng hơn 800 tỷ đồng trên hai sàn trong tuần.

Ông Thắng cho hay sau bốn tuần giảm liên tiếp, hiện định giá của thị trường đã về mức tương đối hấp dẫn, khi P/E của VN-Index khoảng 15 lần, xấp xỉ mức trung bình 5 năm và P/E của VN30 là khoảng hơn 14 lần, thậm chí còn thấp hơn mức trung bình 5 năm.

“Do đó, đây có thể coi là cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn theo trường phái đầu tư giá trị,” ông Thắng nói.

Về góc nhìn kỹ thuật, ông Thắng đánh giá xu hướng ủng hộ cho sự hồi phục là khá cao khi VN-Index chốt tuần trên ngưỡng 1.350 điểm. Nhiều khả năng, VN-Index vẫn có thể đi tiếp sóng tăng 5 để hướng đến mục tiêu theo lý thuyết trong khoảng 1.530-1.550 điểm.

Song ông Thắng khuyến cáo: “Rủi ro hiện tại của thị trường có lẽ chỉ đến từ tâm lý nhà đầu tư với câu nói nổi tiếng được truyền tai ‘hãy bán cổ phiếu trong tháng Năm rồi đi chơi’ - (sell in May and go away).”

Tuy nhiên về tổng thể, ông Thắng đánh giá việc VN-Index đã giảm 8,4% trong tháng Tư nên khả năng đi xuống tiếp trong tháng Năm là khó có thể xảy ra. Vì vậy, tuần giao dịch tiếp theo (ngày 4-6/5), VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại để thu hẹp dần khoảng cách với mục tiêu tiếp theo của chỉ số là ngưỡng tâm lý 1.400 điểm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục