Doanh nghiệp Nhật Bản ít lạc quan về triển vọng kinh tế năm 2019

Khảo sát cho thấy khoảng 63% công ty lớn tại Nhật Bản ít lạc quan về triển vọng kinh tế khi họ đang nỗ lực chống đỡ trước khả năng nhu cầu của người tiêu dùng sụt giảm.
Doanh nghiệp Nhật Bản ít lạc quan về triển vọng kinh tế năm 2019 ảnh 1Người dân mua sắm tại siêu thị ở Tokyo. (Nguồn: Bloomberg)

Hãng tin Kyodo ngày 3/1 công bố kết quả khảo sát cho thấy khoảng 63% công ty lớn tại Nhật Bản dự đoán nền kinh tế đất nước Mặt Trời mọc sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải trong năm 2019.

Tỷ lệ này thấp hơn so với ghi nhận cách đây một năm, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang nỗ lực chống đỡ trước khả năng nhu cầu của người tiêu dùng sụt giảm sau khi thuế tiêu dùng ở Nhật Bản tăng vào tháng 10 năm nay.

Cuộc khảo sát đối với 115 công ty lớn, trong đó có Tập đoàn sản xuất ôtô Toyota, Tập đoàn điện tử Sony, được tiến hành từ cuối tháng 11 đến giữa tháng 12 năm ngoái. Theo đó, 33% số công ty được hỏi cho rằng nền kinh tế Nhật Bản sẽ "giậm chân tại chỗ", trong khi 3% dự đoán tăng trưởng sẽ giảm nhẹ. Không có công ty nào dự đoán kinh tế đất nước sẽ tăng trưởng mạnh.

Trong khi đó, theo kết quả khảo sát một năm trước, có tới 82% số công ty dự đoán nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng vừa phải hoặc mạnh mẽ trong năm 2018.

Cũng theo kết quả khảo sát mới nhất của Kyodo, 79% trong số công ty dự đoán kinh tế Nhật Bản tăng trưởng năm 2019 cho rằng việc tăng chi tiêu vốn công ty là yếu tố hàng đầu đóng góp cho tăng trưởng. Kế đến, 46% cho rằng nhu cầu của người tiêu dùng tăng trước khi thuế tiêu dùng tăng từ 8% lên 10% vào ngày 1/10 tới cũng là một yếu tố thúc đẩy tăng trưởng.

[Kinh tế thế giới hạ nhiệt, Nhật giảm dự báo tăng trưởng]

Đối với các công ty có quan điểm kém lạc quan hơn, 56% bày tỏ quan ngại về nguy cơ chi tiêu tiêu dùng giảm sút kể từ tháng 10 tới, trong khi 54% lo ngại về các tác động tiềm tàng từ những chính sách thương mại cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Liên quan câu hỏi về chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe, có 57% doanh nghiệp ủng hộ chính quyền đương nhiệm, chỉ có 2% bày tỏ quan điểm phản đối, trong khi 39% không đưa ra câu trả lời.

Về các chính sách của Thủ tướng Abe, 33% cho rằng khuyến khích thương mại là chính sách quan trọng hàng đầu trong các chính sách được đưa ra khảo sát. Khoảng 43% bày tỏ lo ngại hoặc thất vọng với các nỗ lực củng cố tài chính của Chính phủ, trong khi 30% cho rằng Thủ tướng Abe chưa tiến hành triệt để cuộc cải cách an sinh xã hội nhằm giải quyết những thách thức đặt ra trong xã hội đang già hóa và thực tế vật giá leo thang tại Nhật Bản.

Nhìn chung, kỳ vọng lớn được đặt vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), chính thức có hiệu lực hôm 30/12 vừa qua, với 48% công ty cho rằng hiệp định này sẽ tác động tích cực tới doanh thu của họ.

CPTPP là hiệp định thương mại tự do giữa 11 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiệp định này được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên.

Hiệp định sẽ tạo ra một trong những khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và tổng GDP khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục