Ngày 30/1, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc và Phó Trợ lý Ngoại trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Tina Kaidanow đồng chủ trì Đối thoại chính trị-an ninh-quốc phòng Việt Nam-Hoa Kỳ lần thứ 9.
Đây là đối thoại thường niên giữa hai nước để thảo luận về các vấn đề song phương, khu vực, quốc tế cùng quan tâm với sự tham gia của đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Cơ quan viện trợ phát triển quốc tế của Hoa Kỳ.
Tại cuộc đối thoại, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc và Phó Trợ lý Ngoại trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Tina Kaidanow ghi nhận những tiến triển tích cực mà hai nước đã đạt được kể từ khi xác lập quan hệ Đối tác toàn diện vào năm 2013; khẳng định năm 2017 tiếp tục là một năm thành công trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ với việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là Lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên thăm Hoa Kỳ vào tháng 5 năm 2017 và Việt Nam cũng là nước Đông Nam Á đầu tiên đón Tổng thống Donald Trump vào tháng 11/2017.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ tiếp tục phát triển ổn định, sâu rộng, hiệu quả trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới; đề nghị hai bên tập trung thực hiện tốt các thỏa thuận Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được trong năm 2017 nhằm đưa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ tiếp tục phát triển thực chất, hiệu quả; duy trì các chuyến thăm, trao đổi ở cấp cao và các cơ chế đối thoại; thúc đẩy đà phát triển của quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đánh giá cao những tiến triển tích cực trong hợp tác an ninh-quốc phòng giữa hai nước, trong đó có chuyến thăm Việt Nam thành công của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis ngay đầu năm 2018; đề nghị hai bên tăng cường hợp tác nhân đạo và khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó tập trung vào Dự án xử lý dioxin tại Sân bay Biên Hòa, tháo gỡ bom mìn còn sót lại, hỗ trợ các nạn nhân chiến tranh, tìm kiếm bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh…
Phó Trợ lý Ngoại trưởng thứ nhất Tina Kaidanow nhất trí hai nước cần duy trì đà phát triển và đưa quan hệ đi vào chiều sâu thông qua việc trao đổi đoàn, tiếp xúc, đặc biệt là ở cấp cao, tăng cường tính hiệu quả của các cơ chế hợp tác hiện có, nhất trí hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư là lĩnh vực trọng tâm và là động lực thúc đẩy quan hệ trong thời gian tới; đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng.
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Tina Kaidanow khẳng định Hoa Kỳ coi hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh là một trong những ưu tiên trong hợp tác an ninh-quốc phòng với Việt Nam và sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề này, đồng thời cho rằng hai bên còn nhiều tiềm năng để tăng cường quan hệ trên các lĩnh vực như hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, tìm kiếm cứu nạn, an ninh hàng hải, thương mại quốc phòng…
Hai bên đã thảo luận về các biện pháp tăng cường hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, nhất trí ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong việc tham gia vào các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển tại khu vực, thúc đẩy hợp tác chống phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, an ninh mạng, tội phạm quốc tế và hoạt động gìn giữ hòa bình tại Liên hợp quốc.
Hai bên trao đổi về tình hình Biển Đông và tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thương mại không bị cản trở tại Biển Đông, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS); tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố Ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và sớm ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC).
Cuộc đối thoại diễn ra trong không khí cởi mở, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, góp phần củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Hai bên nhất trí sẽ tiến hành Đối thoại chính trị-an ninh-quốc phòng lần thứ 10 tại Washington DC./.