Đồng Tháp: Giá lúa vụ Hè Thu tăng cao, nông dân phấn khởi

Trong 6 tháng đầu năm 2023, lượng gạo xuất khẩu của Đồng Tháp ước đạt 262.920 tấn, kim ngạch ước đạt 152,15 triệu USD tăng 72% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Đồng Tháp: Giá lúa vụ Hè Thu tăng cao, nông dân phấn khởi ảnh 1Vận chuyển lúa Hè Thu về sân ở xã Tân Phú , huyện Thanh Bình, Đồng Tháp. (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

Vụ lúa Hè Thu năm 2023 tỉnh Đồng Tháp xuống giống 185.734ha, đạt 99,4% so với kế hoạch. Diện tích thu hoạch 117.606ha, năng suất 66,3 tạ/ha.

Nông dân vui mừng khi giá lúa vụ Hè Thu tăng, giá lúa chất lượng cao tại ruộng giá 7.100 đồng/kg, tăng 1.300 đồng/kg so cùng kỳ năm 2022; lúa thường IR 50404 giá 6.500 đồng/kg, tăng 1.050 đồng/kg so cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận vụ lúa Hè Thu 3.457 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết giá trị sản xuất ngành hàng lúa ở Đồng Tháp tăng là tỉnh thực hiện cơ cấu giống có xu hướng dịch chuyển từ giống có chất lượng thấp sang trồng các loại giống có chất lượng cao và tập trung trên một số nhóm giống chính, năng suất cao như Đài Thơm 8, OM 18, OM 5451, OM 4900, Nàng hoa 9. Tỷ lệ nhóm giống chất lượng cao đạt 69,6%,

Theo ông Nguyễn Thành Dũng ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình cho biết gia đình của ông sản xuất hơn 3ha lúa Hè Thu, sử dụng giống lúa OM 5451 cho năng suất hơn 70 tạ/ha, với giá bán 7.100 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí còn lãi hơn 24 triệu đồng/ha vụ Hè Thu 2023.

Ông cho biết năng suất lúa Hè Thu năm nay cho năng suất cao hơn năm 2022 là do thời tiết rất thuận lợi trong thời gian gieo hạt, bón phân cân đối và sử dụng cơ giới hóa vào sản xuất đã kịp thời gieo sạ sớm và bên cạnh sử dụng phương tiện không người lái phun phân, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời sử dụng giống lúa chất lượng cao, cho nên cây lúa phát triển tốt, cho năng suất cao và bán được giá.

Để lúa Hè Thu chất lượng cao, dễ tiêu thụ, bán có giá, đến cuối tháng 6/2023, toàn tỉnh Đồng Tháp đã cấp 392 mã số vùng trồng trên lúa với tổng diện tích gần 56.242ha.

Diện tích được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 6.676ha và trên 4.057ha lúa đạt chứng nhận VietGAP.

[Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ]

Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đề ra một số giải pháp trọng tâm để tăng sức cạnh tranh cũng như cũng như thúc đẩy xuất khẩu gạo.

Giải pháp phát triển lúa gạo trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực và theo hướng bền vững; tích cực vận động chuyển dịch cơ cấu giống sang nhóm giống chất lượng cao; quản lý chặt vùng sản xuất phục vụ xuất khẩu; bán được giá cao.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường xuất khẩu gạo có nhiều thuận lợi khi đơn hàng xuất khẩu lẫn giá bán sang nhiều thị trường tăng mạnh do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng cao.

Lượng gạo xuất khẩu của Đồng Tháp ước đạt 262.920 tấn, kim ngạch ước đạt 152,15 triệu USD tăng 72% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, tuy giá gạo xuất khẩu cao nhưng giá lúa nguyên liệu trong nước thời gian qua ở mức cao.

Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, sản lượng lúa đạt cao, giá trị sản xuất ngành hàng lúa ở Đồng Tháp tăng do vụ lúa Hè Thu 2023 nông dân Đồng Tháp đã chú ý đến chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa và điều quan trọng nhất là nông dân bước đầu ý thức chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Mô hình sản xuất theo chuỗi lúa gạo an toàn đã và đang thu hút nhiều nông dân tham gia, góp phần xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu lúa, gạo chất lượng cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục