Dự án nâng cấp mở rộng Lọc dầu Dung Quất tiến thêm mốc quan trọng

Việc phê duyệt báo cáo Đánh giá tác động môi trường là cơ sở pháp lý để BSR lấy ý kiến cổ đông phê duyệt nội dung thiết kế kỹ thuật tổng thể và dự toán nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Nhà máy Bio Ethanol Dung Quất. (Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN)
Nhà máy Bio Ethanol Dung Quất. (Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN)

Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho biết, Dự án nâng cấp và mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường vào ngày 27/2/2019 theo Quyết định số 439/QĐ-BTNMT.

Đây là mốc tiến độ quan trọng, khẳng định sự nỗ lực của BSR cùng sự ủng hộ, chỉ đạo sát sao của các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Theo BSR, việc phê duyệt báo cáo Đánh giá tác động môi trường là cơ sở pháp lý để BSR lấy ý kiến cổ đông phê duyệt nội dung thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) và dự toán công trình nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và triển khai các công việc tiếp theo của dự án.

Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã được Ban quản lý Khu Kinh tế Dung Quất trao giấy Chứng nhận đầu tư dự án từ năm 2014.

Theo đó, dự án nâng từ công suất 6,5 triệu tấn lên 8,5 triệu tấn/năm, tương đương 192.000 thùng dầu/ngày và có thể lọc được các loại dầu nặng và “chua” (chứa nhiều lưu huỳnh) có giá rẻ hơn rất nhiều so với dầu Bạch Hổ và các loại dầu tương đương mà Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang sử dụng.

Tổng vốn cho dự án khoảng 1,82 tỷ USD với tỷ lệ 70% vốn vay, 30% vốn góp. Trong thời gian qua, PVN, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và BSR đã chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện để triển khai nâng cấp và mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất…

Đến hết tháng 2/2019, công tác giải phóng mặt bằng Dự án đã đạt 99,8%. Dự kiến, ngày 31/3/2019, tỉnh Quảng Ngãi sẽ bàn giao toàn bộ 108,2 ha mặt bằng sạch của dự án cho Ban Quản lý Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thuộc BSR.

Tuy nhiên, Dự án đang gặp nhiều khó khăn về thu xếp tài chính trong bối cảnh Chính phủ không cấp bảo lãnh vốn vay cho dự án dẫn tới những thay đổi lớn về phương án vốn vay và cơ cấu vốn đầu tư dự kiến so với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Để giải quyết khó khăn này, BSR tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thiện phương án thu xếp vốn cho Dự án, trong đó tập trung tối ưu hoá tỷ lệ vốn chủ sở hữu và vốn vay.

Bên cạnh đó, BSR sẽ đề xuất Chính phủ các chính sách và công cụ tăng thu đột biến cũng như đề xuất PVN bảo lãnh vay vốn.

Dự án nâng cấp mở rộng Lọc dầu Dung Quất tiến thêm mốc quan trọng ảnh 1Các kỹ sư đang theo dõi thông số nhiệt của lò hơi tại phòng điều khiển. (Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN)

Trong hai tháng đầu năm 2019, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã vận hành an toàn, ổn định ở 108% công suất thiết kế, sản xuất hơn 1,1 triệu tấn sản phẩm các loại.

Nhờ vậy, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đạt doanh thu 13.654 tỷ đồng và nộp ngân sách 1.592 tỷ đồng.

Theo BSR, Công ty đã sản xuất kinh doanh trong bối cảnh diễn biến giá dầu thô thế giới khó lường suốt từ quý IV/2018 đến hết tháng 2/2019.

Vì vậy, lợi nhuận sau thuế 2 tháng đầu năm 2019 dự kiến không tốt so với cùng kỳ các năm trước do khoảng cách chênh lệch giữa giá các sản phẩm chính bán ra và giá dầu thô nguyên liệu đầu vào (crack spread) thấp, thậm chí có thời điểm giá nguyên liệu cao hơn giá bán sản phẩm.

[Nhà máy lọc dầu Dung Quất đạt mốc 20 triệu giờ công an toàn]

Khoảng cách chênh lệch này đều gây bất lợi cho các nhà máy lọc hóa dầu trên thế giới, kể cả những đơn vị kinh doanh, phân phối xăng dầu.

Theo ghi nhận của Tạp chí Platts (Tạp chí chuyên ngành về dầu khí thế giới) công bố tại thị trường Singapore, giai đoạn cuối tháng 1, đầu tháng 2 năm 2019 giá sản phẩm chủ lực của BSR là Mogas 95 và Mogas 92 lại thấp hơn giá dầu thô Dated Brent.

Cuối tháng 2, đầu tháng 3 giá dầu đã có xu hướng tăng, crack spread mở rộng nên lợi nhuận của BSR đang tiến triển tích cực.

Để sản xuất kinh doanh hiệu quả trong tháng 3 và những tháng tiếp theo, BSR tiếp tục tập trung kiểm soát tốt giá thành sản xuất, tối ưu hóa sản xuất, giảm mức tiêu hao dầu thô chế biến.

BSR cũng đang tối ưu hóa vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thông qua việc điều chỉnh cơ cấu sản phẩm như tối đa hóa lượng sản phẩm có hiệu quả cao theo nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, BSR cũng áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ như tối ưu hóa chi phí vận hành (OPEX), áp dụng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giảm lưu kho… cùng với các giải pháp quản lý, quản trị vĩ mô để giúp Công ty đạt lợi nhuận trong quý I năm 2019./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục