Sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết trừng phạt mới đối với Triều Tiên, dư luận quốc tế bày tỏ hy vọng động thái này sẽ giúp nối lại các vòng đối thoại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Trong một tuyên bố ngày 2/3, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nêu rõ nghị quyết đã gửi đi một thông điệp rõ ràng tới Triều Tiên rằng nước này cần thực hiện nghiêm các nghĩa vụ quốc tế của mình.
Tổng Thư ký bày tỏ hy vọng quyết định này có thể mở ra cơ hội cho việc nối lại các vòng đàm phán sáu bên phù hợp với quan điểm của cộng đồng quốc tế.
Ông Ban Ki Moon cũng tái khẳng định cam kết cùng với các bên làm giảm căng thẳng và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, Đại sứ Nhật Bản tại Liên hợp quốc Motohide Yoshikawa cho rằng bản nghị quyết này mang tính đột phá, song nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt không phải là mục tiêu cuối cùng của văn kiện này.
Đồng tình với quan điểm trên, Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc Lưu Kết Nhất tuyên bố nghị quyết vừa được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua sẽ là điểm khởi đầu mới và là bàn đạp cho quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin cũng nhấn mạnh rằng những biện pháp trừng phạt mới thông qua dù cứng rắn, nhưng không phải là giải pháp cuối cùng mà chỉ là con đường nhằm đảm bảo các bên liên quan trở lại bàn đàm phán.
Đại sứ Churkin cũng bày tỏ hy vọng các vòng đàm phán hạt nhân Triều Tiên sẽ nhanh chóng được nối lại.
Tiến trình đàm phán sáu bên gồm Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Nga đã bị đình trệ từ cuối năm 2008.
Trước đó, ngày 2/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết do Mỹ đề xuất mở rộng trừng phạt Triều Tiên liên quan tới vụ thử hạt nhân lần thứ 4 hôm 6/1 và phóng tên lửa mang vệ tinh lên quỹ đạo hôm 7/2 vừa qua.
Theo nghị quyết mới nhất này, mọi tàu chở hàng đến và đi vào Triều Tiên đều phải được kiểm tra.
Hội đồng Bảo an cũng nhất trí bổ sung 12 thực thể và 16 cá nhân Triều Tiên vào danh sách trừng phạt của Liên hợp quốc, trong đó có đại diện thương mại của Bình Nhưỡng tại một số nước./.