CNBC đưa tin theo các chuyên gia, bất chấp những quan ngại về Triều Tiên, dự thảo chi tiêu quốc phòng quốc gia Mỹ có thể tiếp tục không được thông qua do Quốc hội phải đối mặt với những vấn đề cấp thiết khác.
Hàng loạt công việc chưa hoàn tất đang chờ đợi các nghị sỹ Mỹ trong thời gian tới, từ vấn đề nợ trần cao cho đến chi tiêu của chính phủ.
Thực tế, việc đưa ra một dự thảo chi tiêu quốc phòng 2018 mà được cả hai viện quốc hội có thể tán thành vẫn là một thách thức bởi có những bất đồng về việc làm sao để trả được khoản tiền này cũng như rào cản về những giới hạn ngân sách do luật pháp quy định hiện nay theo Đạo luật Quản lý Ngân sách 2011.
Tháng trước, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự thảo chi tiêu quốc phòng tài khóa 2018 với khoản tiền lên tới 696,5 tỷ USD, cao hơn cả kế hoạch 667 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Donald Trump và cũng cao hơn khoảng 70 tỷ USD so với những hạn định chi tiêu Quốc hội đặt ra.
[Quân đội Mỹ sẽ không còn là siêu cường trong 5 năm tới]
Tuy nhiên, Thượng viện vẫn chưa bỏ phiếu về dự thảo quốc phòng quốc gia mặc dù bản dự thảo của Ủy ban Quân lực bao gồm kế hoạch chi tiêu quốc phòng lên tới 700 tỷ USD, trong đó có 60 tỷ USD dành cho việc hỗ trợ những chiến dịch bất ngờ ở nước ngoài liên quan tới chiến tranh.
Frederico Bartels, nhà phân tích chính sách về ngân sách quốc phòng tại Qũy Heritage, nhận định: "Để kế hoạch này được thông qua, bạn phải thay đổi luật (với Đạo luật Quản lý Ngân sách) hoặc mọi thứ sẽ được đem ra bàn thảo."
Theo chuyên gia này, viễn cảnh khả thi là Quốc hội sẽ lại dựa vào một dự thảo chi tiêu ngắn hạn, hoặc một quyền chi tiêu chưa thông qua ngân sách (CR) để duy trì sự hoạt động của chính phủ cũng như cấp tiền cho các hoạt động quốc phòng.
Ông Bartels cho rằng có khả năng sẽ là một CR 3 tháng hoặc 6 tháng kể từ khi năm tài khóa mới bắt đầu vào ngày 1/10./.