Chính phủ Đức hiện đang nỗ lực thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ môi trường, nhất là trong lĩnh vực phát triển xe ôtô.
Phát biểu khi tham dự một sự kiện do Viện Khoa học và Kỹ thuật Đức tổ chức ngày 8/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi các hãng chế tạo ôtô của Đức chú trọng hơn đến việc sản xuất pin dành cho các loại xe chạy bằng điện tại châu Âu.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Thủ tướng Merkel cho rằng sản xuất pin sẽ tạo thành một phần đáng chú ý của chuỗi giá trị gia tăng cho các loại xe chạy bằng điện, do vậy ngành công nghiệp ôtô của Đức cần tham gia.
Theo ông Henning Kagermann, cựu Chủ tịch Viện Khoa học và Kỹ thuật Đức, nên có ít nhất một nhà máy sản xuất pin cho xe chạy bằng điện ở châu Âu.
Trong bối cảnh nền kinh tế đầu tàu châu Âu này đang chịu nhiều sức ép trong việc thực thi quy định về không khí sạch do Liên minh châu Âu (EU) ban hành từ năm 2010, Chính phủ Liên bang Đức đang khuyến khích các hãng chế tạo ôtô nước này chú ý tập trung các dự án phát triển xe điện và các mẫu xe không phát thải nhằm thay thế dần các loại xe chạy bằng dầu diesel.
Tạp chí Der Spiegel của Đức ngày 8/5 đưa tin Cơ quan giao thông đường bộ (KBA) nước này đang điều tra nghi vấn hãng xe hạng sang Audi, công ty con của Tập đoàn sản xuất ôtô Volkswagen (VW) của Đức, đã lắp đặt thiết bị gian lận khí thải mới cho khoảng 60.000 chiếc A6 và A7 trên khắp thế giới.
[CEO của Volkswagen làm việc cùng các điều tra viên của Mỹ]
Theo Der Spiegel, khả năng cao Audi phải tiến hành triệu hồi quy mô lớn số xe ôtô được lắp đặt thiết bị trên. Khoảng một nửa số xe Audi A6 và A7 trên được bán ra tại thị trường Đức, số còn lại được phân phối ở các nước trên thế giới.
Cùng ngày, Audi đã thừa nhận phát hiện "những điểm bất thường" trong bộ phận kiểm soát khí thải của các mẫu A6 và A7 hiện nay.
Audi cho biết hãng này đã tự báo cáo phát hiện trên lên cơ quan chức năng và ngay lập tức ngừng phân phối dòng xe này. Khách hàng sẽ được thông báo và cung cấp một bản cập nhật phần mềm trên. Audi cũng sẽ hợp tác với KBA để làm rõ một số vấn đề theo yêu cầu của cơ quan này.
Vụ việc trên diễn ra sau khi cựu Giám đốc điều hành VW Martin Winterkorn hồi tuần trước chính thức bị truy tố tại Mỹ liên quan vụ bê bối khí thải diesel của VW.
Đây là cấp lãnh đạo cao nhất của Volkswagen bị truy tố trong vụ bê bối này. Bộ Tư pháp Mỹ truy tố ông Winterkorn với 4 tội danh, trong đó có âm mưu lừa gạt nước Mỹ, gian lận, vi phạm Đạo luật Không khí sạch.
Theo các công tố viên, ông Winterkorn biết về vụ gian lận từ tháng 5/2014, song đã quyết định tiếp tục lừa dối. Sau khi vụ việc bị phanh phui, tháng 9/2015, ông Winterkorn đã từ chức.
Trước đó, đương kim Giám đốc điều hành Tập đoàn VW Herbert Diess hôm 1/5 cũng đã phải gặp các điều tra viên của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về vụ bê bối khí thải diesel của hãng ôtô nổi tiếng của Đức này./.