Đức kêu gọi các hãng dược thực thi đầy đủ hợp đồng cung ứng vaccine

Đức đã lên tiếng hối thúc các công ty dược phẩm thực thi đầy đủ hợp đồng cung ứng và bàn giao vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mà các hãng này đã ký kết với các nước thuộc EU.
Đức kêu gọi các hãng dược thực thi đầy đủ hợp đồng cung ứng vaccine ảnh 1Bộ trưởng Các vấn đề EU của Đức Michael Roth. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 23/3, Đức đã lên tiếng hối thúc các công ty dược phẩm thực thi đầy đủ hợp đồng cung ứng và bàn giao vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mà các hãng này đã ký kết với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Đức Michael Roth nêu rõ: "Đối với chúng tôi, điều rất quan trọng là mọi người phải có trách nhiệm."

Theo quan chức này, mọi người phải tuân thủ các cam kết của mình, tương tự các công ty dược phải đáp ứng những cam kết của họ về việc cung ứng vaccine.

EU đang gấp rút đẩy nhanh chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 khi mà dịch bệnh tại nhiều nước thành viên đang diễn biến hết sức phức tạp, tỷ lệ nhiễm mới tăng mạnh buộc chính quyền phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 20/3 cảnh báo sẽ cấm hãng dược phẩm AstraZeneca xuất khẩu vaccine ngừa bệnh COVID-19 nếu các nước thành viên EU không được ưu tiên nhận vaccine đầu tiên.

[''Hộ chiếu vaccine'' liệu có giúp mở lại các đường biên giới quốc tế?]

Theo bà von der Leyen, công ty dược phẩm Anh-Thụy Điển nói trên mới chỉ giao 30% trong số 90 triệu liều vaccine AstraZeneca đã thỏa thuận trong quý I/2021.

Cơ chế cấm xuất khẩu của EU trước tiên phải do một nước thành viên đề xuất, sau đó được EC phê chuẩn trước khi có hiệu lực.

Cơ chế này đến nay chỉ được sử dụng một lần, khi Italy ngăn chặn việc xuất khẩu 250.000 liều vaccine của AstraZeneca sang Australia với lý do "tình trạng khan hiếm kéo dài" và "cung cấp chậm trễ."

Ngày 23/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng là trọng tâm của cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Phát biểu trước báo giới trong chuyến thăm đến một trung tâm tiêm chủng ở Valencienne, miền Bắc nước Pháp, ông Macron nêu rõ: "Tiêm chủng là ưu tiên quốc gia." Ông cũng cho biết chiến dịch tiêm chủng cũng sẽ được triển khai trong các ngày lễ và cuối tuần.

Ba Lan đã cung cấp cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hàng nghìn liều vaccine phòng COVID-19 của hãngAstraZeneca, đủ để tiêm chủng cho khoảng 3.500 nhân viên của NATO đang làm việc tại trụ sở của tổ chức này tại thủ đô Brussels của Bỉ.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, trên mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết Ba Lan đã nhận được "lời đề nghị chính thức" của NATO về việc tiêm chủng cho các nhân viên NATO tại trụ sở ở Brussels. Thủ tướng Ba Lan khẳng định đây là "một sứ mệnh quan trọng."

Theo báo chí Ba Lan, hơn 20 bác sĩ Ba Lan sẽ đến Brussels vào ngày 25/3 để tiêm vaccine của AstraZeneca cho 3.500 người làm việc tại trụ sở NATO và loại vaccine này sẽ cần phải tiêm hai mũi.

Hãng thông tấn quốc gia Ba Lan (PAP) dẫn lời Bộ trưởng chịu trách nhiệm về chiến dịch tiêm chủng Michał Dworczyk cho biết việc tiêm chủng dự kiến sẽ mất 3 ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục