Đức rút lại kế hoạch cách ly tự nguyện đối với người mắc COVID-19

Theo Bộ trưởng Y tế Đức, việc cách ly tự nguyện sẽ gây ra tác hại nhiều hơn lợi ích do người nhiễm có quyền tự quyết định việc có cách ly hay không, làm gia tăng khả năng lây nhiễm mới.
Đức rút lại kế hoạch cách ly tự nguyện đối với người mắc COVID-19 ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 1/4/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bộ Y tế Đức đã thông báo rút lại kế hoạch cách ly tự nguyện đối với người mắc COVID-19 và sẽ tiếp tục thực hiện việc cách ly bắt buộc.

Phát biểu với truyền thông Đức, Bộ trưởng Y tế liên bang Karl Lauterbach thừa nhận đề xuất trước đó của ông về việc loại bỏ quy định cách ly bắt buộc đối với người nhiễm COVID-19 từ ngày 1/5 tới, thay vào đó cho phép họ cách ly tự nguyện, là đề xuất sai lầm.

Theo Bộ trưởng Lauterbach, COVID-19 không phải bệnh cảm cúm thông thường, do đó sau khi nhiễm bệnh phải thực hiện cách ly và chịu sự kiểm soát của cơ quan y tế.

Bộ trưởng Lauterbach giải thích các cơ sở y tế luôn gặp tình trạng quá tải và không thể đáp ứng nếu tiếp tục thực hiện lệnh cách ly bắt buộc. Do đó, kế hoạch ban đầu là chuyển sang thực hiện cách ly tự nguyện.

Nhưng việc cách ly tự nguyện sẽ gây ra tác hại nhiều hơn lợi ích do người nhiễm có quyền tự quyết định việc có cách ly hay không. Điều này sẽ làm gia tăng khả năng lây nhiễm mới.

Bộ trưởng Lauterbach cũng cho rằng cùng với việc tiếp tục thực hiện cách ly bắt buộc, thời gian cách ly bắt buộc nên được rút xuống còn 5 ngày, và việc cách ly những người tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 nên thực hiện theo hướng tự nguyện.

[Số bệnh nhân mắc COVID-19 ở Ireland và Đức gia tăng mạnh]

Trước đó, sau khi tham vấn với người đứng đầu ngành y tế các bang ở Đức, Bộ trưởng Lauterbach đã thông báo về kế hoạch bãi bỏ cách ly bắt buộc, thực hiện cách ly tự nguyện đối với người nhiễm COVID-19 từ ngày 1/5 tới.

Ông cho biết mục đích của kế hoạch này là tránh tình trạng thiếu nhân viên y tế do phải cách ly vì bị nhiễm COVID-19.

Đề xuất của Bộ Y tế Đức vấp phải nhiều phản ứng từ giới chuyên gia y tế nước này.

Theo ông Carsten Watzl, Tổng thư ký Hiệp hội miễn dịch học Đức, thay vì tránh được tình trạng thiếu nhân viên tại các cơ sở y tế như hy vọng, việc loại bỏ quy định cách ly bắt buộc khiến nhiều người đang nhiễm COVID-19 sẽ tiếp tục đến làm việc và lây nhiễm cho những người khác.

Do đó, số ca nhiễm mới sẽ tăng lên, gây áp lực lớn hơn cho các cơ sở y tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục