Đức tuyên bố kiểm soát thành công tốc độ lây nhiễm của dịch COVID-19

Đến nay, Đức đã thực hiện hơn 1,7 triệu xét nghiệm COVID-19, tương đương khoảng 350.000 lượt/tuần và nếu cần có thể tăng lên 700.000 lượt/tuần.
Đức tuyên bố kiểm soát thành công tốc độ lây nhiễm của dịch COVID-19 ảnh 1Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Aachen, Đức ngày 15/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn ngày 17/4 cho biết sau 4 tuần áp dụng các biện pháp ứng phó, Đức cho đến nay đã thành công trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Theo Bộ trưởng Spahn, hệ thống y tế của Đức không bị quá tải và nước này sẽ không tiếp tục "để trống" khoảng 10.000 giường điều trị tích cực với việc cho tiến hành các ca phẫu thuật, vốn bị hoãn lại trước đó để ứng phó với dịch bệnh. Điều này sẽ là sự công bằng giữa các bệnh nhân thông thường và bệnh nhân COVID-19.

[Sau thay đổi số liệu, tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở Vũ Hán vượt New York]

Ông cho biết đến nay, Đức đã thực hiện hơn 1,7 triệu xét nghiệm COVID-19, tương đương khoảng 350.000 lượt/tuần và nếu cần có thể tăng lên 700.000 lượt/tuần.

Về vấn đề khan hiếm khẩu trang, tình hình đã được cải thiện khi tuần trước, 80 triệu khẩu trang đã được chuyển đến Đức và đang được phân phối tới các địa chỉ.

Các công ty của Đức sẽ có thể sản xuất hàng chục triệu khẩu trang mỗi tuần từ tháng Tám tới, trong đó có 10 triệu chiếc đáp ứng tiêu chuẩn FFP2 và 40 triệu khẩu trang y tế.

Tại cuộc họp báo trên, lãnh đạo Viện Dịch tễ RKI Lothar Wieler ca ngợi việc kiềm chế thành công sự lây lan của SARS-CoV-2 khi tốc độ lây nhiễm hàng ngày đã chậm lại và hiện ở mức 0,7%, có nghĩa một người bệnh không còn có thể lây nhiễm tương ứng cho 1 người khác mà là dưới 1 người.

Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong vẫn cao hơn 2%, đặc biệt trong tuần này.

Theo ông, 2,5% số bệnh nhân có bệnh nền là viêm phổi, nhiều bệnh nhân nhập viện khi đã ở trong tình trạng rất nặng từ 1-2 tuần trước và cuối cùng không qua khỏi.

Tiến sỹ Karrl Broich, thuộc Viện Dược phẩm và Thiết bị y tế, cho biết Đức có một số phương pháp điều trị hứa hẹn đang được thử nghiệm lâm sàng.

Kết quả đầu tiên sẽ có trong 3 tháng tới, sau đó sẽ xin cấp phép từ phía châu Âu.

Ông cũng cho biết việc phát triển vắcxin vẫn cần thêm thời gian, đồng thời tin tưởng Đức sẽ sớm phát triển được vắcxin ngừa SARS-CoV-2./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục