Dừng việc xét nghiệm Elisa để chẩn đoán bệnh sán dây lợn

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, xét nghiệm Elisa dương tính (+) không thể khẳng định là hiện tại đang mắc bệnh sán dây lợn, đây là xét nghiệm mang tính chất hỗ trợ khi có dấu hiệu lâm sàng.
Tổ xét nghiệm lấy máu cho các cháu tại Trường Mầm non Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Diệp Trương/TTXVN)
Tổ xét nghiệm lấy máu cho các cháu tại Trường Mầm non Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Diệp Trương/TTXVN)

Ngày 21/3, Bộ Y tế vừa có văn bản khẩn gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh về việc phòng bệnh và chẩn đoán, điều trị bệnh sán dây lợn.

[Bệnh ấu trùng sán lợn có trong những loại thực phẩm nào?]

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, trước thông tin về tình hình nhiễm sán dây lợn gây bệnh cho người tại tỉnh Bắc Ninh và nhu cầu của người dân về chẩn đoán có mắc bệnh hay không dẫn đến tình trạng hiện nay người dân ồ ạt đưa con em đi xét nghiệm, Bộ Y tế có ý kiến về vấn đề này.

Cụ thể, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Sở Y tế và các cơ sở y tế trên địa bàn dừng việc lấy mẫu xét nghiệm Elisa để chẩn đoán sán dây lợn.

Hiện nay, kỹ thuật Elisa được xem có độ nhạy cao trong chẩn đoán các bệnh ký sinh trùng đường ruột.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, xét nghiệm Elisa dương tính (+) không thể khẳng định là hiện tại đang mắc bệnh sán dây lợn. Đây là xét nghiệm mang tính chất hỗ trợ khi có dấu hiệu lâm sàng và có một số kết quả xét nghiệm xác định khác.

Đối với những trường hợp kết quả xét nghiệm Elisa dương tính (+) không cần phải xét nghiệm lại và không phải điều trị, trừ trường hợp có triệu chứng lâm sàng, có chẩn đoán xác định hiện đang mắc bệnh thì sẽ được điều trị theo phác đồ quy định tại các cơ sở y tế địa phương. Trường hợp kết quả xét nghiệm Elisa âm tính (-) thì không cần phải xét nghiệm lại.

Bộ Y tế cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các ban an toàn thực phẩm địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào của các bếp ăn tập thể, các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp, đặc biệt là đơn vụ cung cấp nguyên liệu cho các trường học và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Các đơn vị cần tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu được bản chất của bệnh, ý nghĩa của các biện pháp chẩn đoán, xác định người đang mắc bệnh hay không và thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh như ăn chín, uống chín, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh…

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn gặp ở nhiều nơi trên thế giới, người mắc bệnh thường liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín.

Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền, các tỉnh thành. Theo số liệu được báo cáo của các cơ sở điều trị, đến nay có ít nhất 55 tỉnh, thành có trường hợp bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn.

Bệnh ấu trùng sán lợn do ăn phải thức ăn bị ô nhiễm có nhiễm trứng sán dây lợn hoặc ấu trùng sán lợn (như thịt lợn gạo) chưa được nấu chín kỹ. Thông thường, ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun nấu ở nhiệt độ 75 độ C trong vòng 5 phút hoặc đun sôi trong vòng 2 phút./.

Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân:

- Thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh.

- Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).

- Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông.

- Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục