Đường dây 500kV Quảng Ninh-Hiệp Hòa: Không thể lùi tiến độ

Những ngày cuối tháng 6, các lực lượng chức năng đang khẩn trương hoàn tất công tác đền bù giao mặt bằng cho đơn vị thi công đường dây 500kV Quảng Ninh-Hiệp Hòa.
Đường dây 500kV Quảng Ninh-Hiệp Hòa: Không thể lùi tiến độ ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Những ngày cuối tháng Sáu này, cả hệ thống chính trị ở các huyện Đông Triều, Hoành Bồ, thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) và thị xã Chí Linh (Hải Dương) đang khẩn trương triển khai phương án bảo vệ thi công hay hoàn tất công tác đền bù để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công rải và kéo dây.

Mục tiêu là trong tháng Bảy tới, phải đóng được điện đường dây 500kV Quảng Ninh-Hiệp Hòa để truyền tải hết công suất của cụm nhiệt điện Quảng Ninh-Mông Dương vào hệ thống điện quốc gia.

Đường dây 500kV Quảng Ninh-Hiệp Hòa do Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư là đường dây mạch kép, có chiều dài 141km, từ trạm biến áp 500kV Quảng Ninh đến trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa, đi qua ba tỉnh là Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang.

Với tổng mức đầu tư hơn 2.591 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn xây lắp và thiết bị là vốn vay Ngân hàng Thế giới, đường dây đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của miền Bắc và dự phòng phát triển nguồn nhiệt điện tại khu vực Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (Ban AMT), đơn vị quản lý điều hành dự án, cho biết tính đến ngày 20/6, toàn tuyến đã hoàn thành đào đúc móng, lắp dựng cột 316 vị trí, kéo dây 76 khoảng néo với 121km, còn chín khoảng néo với hơn 12km chưa triển khai được.

Đường găng của công trình đang tập trung vào huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) khi hiện nay còn vướng năm hộ dân làm nhà trên đất nông nghiệp.

Tổng Công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam (VNECO) đảm nhiệm thi công hai gói thầu 8.1, 8.2 và ngăn xuất tuyến tại trạm biến áp 500kV Quảng Ninh, với tổng chiều dài 65km, 146 vị trí cột, đi qua hai huyện Hoành Bồ, Đông Triều và thành phố Uông Bí của tỉnh Quảng Ninh. Vào thời gian cao điểm, đơn vị bố trí từ 500-700 công nhân trên công trường. Vào giai đoạn nước rút này cũng còn khoảng 250 người.

Tại khoảng néo 94-95 thuộc thôn Khe Sú 1, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí do Đội 3 thi công, Tổ trưởng Trần Ngọc Lĩnh cho biết chưa kể những vướng mắc về đền bù thì thời tiết mưa nhiều cũng ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Tuy nhiên, đơn vị cũng nỗ lực khi có mặt bằng là triển khai thi công ngay và tranh thủ từng giờ để bù lại khối lượng.

Ông Trần Văn Huy, Phó Tổng Giám đốc VNECO, cho biết cùng với việc phải thi công trong địa hình hiểm trở nhất là qua khu vực thành phố Uông Bí có độ dốc cao, đơn vị còn phải thi công trong địa hình phức tạp do hầu hết rừng keo, bạch đàn, cây cối, hoa màu đều có chủ. Do vậy, quá trình vận chuyển, đúc móng cột cũng rất khó khăn.

Tuy nhiên, đến ngày 24/6, đã có 90% khối lượng được kéo dây. Hiện còn khoảng néo từ vị trí 96 đến 109, dài 5,8km, Ủy ban Nhân dân huyện Đông Triều đã họp và thống nhất ngày 1/7 sẽ hỗ trợ bảo vệ thi công. Trong khi đó, khoảng néo 74-88; 95-96 thuộc thành phố Uông Bí do được các lực lượng chức năng của địa phương bảo vệ thi công nên đến 30/6 sẽ hoàn tất kéo dây.

Cái vướng hiện nay theo ông Huy là huyện Hoành Bồ còn vị trí từ 5-8 có năm hộ dân chưa nhận tiền đền bù. Huyện đã tổ chức họp thống nhất phương án bảo vệ thi công vào ngày 1/7.

Từ khoảng néo 8-10 hiện đã kéo dây xong một mạch và triển khai rải mạch tiếp nhưng do hồ sơ đo vẽ còn thiếu diện tích nên phải đo lại và lập phương án bồi thường bổ sung cho các hộ dân mới. Dự kiến đến 1/7 huyện mới phê duyệt phương án để chi trả tiền tiếp tục thi công.

Tại huyện Đông Triều cũng còn vướng hộ ông Phạm Quốc Thái chưa nhận tiền do đề nghị được bổ sung sân, giếng nước và cây tại mặt bằng di chuyển nhà. Hiện Ủy ban Nhân dân huyện đã đồng ý cho bổ sung và hộ này cũng đồng ý cho thi công.

Tại thị xã Chí Linh (Hải Dương), Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Trần Đình Thanh cho biết công trình đường dây 500kV Quảng Ninh-Hiệp Hòa đoạn qua thị xã có chiều dài hơn 15km, đã hoàn thiện kéo dây gần 12km, đang tổ chức bảo vệ thi công gần 1,7km.

Khối lượng còn lại chưa kéo dây thuộc hai khoảng néo, từ 158-160 và từ 160-161 với gần 1,4km còn vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng nên chưa thể thi công được. Tại đây còn ba hộ gia đình chưa nhận tiền đền bù theo quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh và kiến nghị xét duyệt lại nguồn gốc đất.

Theo ông Thanh, Ủy ban Nhân dân thị xã đã có quyết định thu hồi bổ sung và lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng trình Sở Tài nguyên Môi trường thẩm định. Tuy nhiên Sở này chưa đồng ý với quyết định thu hồi đất của Ủy ban Nhân dân thị xã Chí Linh.

Đối với phương án hỗ trợ đầu tư hạ tầng với các hộ phải di chuyển tái định cư nhưng tự lo chỗ ở và hỗ trợ kinh phí san nền với các hộ tái định cư tại chỗ, Sở Tài chính Hải Dương cũng chưa tham mưu trình Ủy ban Nhân dân tỉnh giá trị suất đầu tư hạ tầng làm cơ sở hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn tỉnh; trong đó có đường dây 500kV này.

Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, sớm hoàn thành công tác kéo dây đường điện 500kV Quảng Ninh-Hiệp Hòa qua địa bàn thị xã theo đúng chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Anh Cương đã yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở Tài chính, Xây dựng và các đơn vị liên quan xem xét cụ thể đề nghị của Ủy ban Nhân dân thị xã Chí Linh để tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh trước ngày 30/6.

Phó Tổng Giám đốc VNECO Trần Văn Huy cho biết: “Trong các công trình xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng công trình điện vẫn khó khăn nhất vì đường dây và hành lang đi qua nhiều tài sản. Tại công trình này, người dân đều có yêu sách về đơn giá nhà, vật kiến trúc theo giá thị trường, quá quy định của Nhà nước nên đã đẩy chính quyền địa phương, chủ đầu tư và nhà thầu vào thế khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Chính sách Nhà nước và yêu sách của dân không gặp nhau thì đến đoạn cuối chỉ còn giải pháp là bảo vệ hỗ trợ thi công.”

Trên thực tế, để thực hiện bài toán giải phóng mặt bằng các công trình đường dây thì vai trò của Ủy ban Nhân dân thành phố và cấp huyện là vô cùng quan trọng.

Ông Huy cho biết thêm: “Trong các công trình đường dây 500kV VNECO thi công thì đây là công trình đền bù, giải phóng mặt bằng khó khăn nhất. Nếu không vướng đền bù thì đường dây đã đóng điện từ tháng Ba năm nay theo quyết định phê duyệt của EVNNPT. Với tình hình hiện nay, nếu địa phương quyết tâm triển khai thì đến giữa tháng Bảy, VNECO sẽ hoàn thành phần kéo dây.”

Theo ông Nguyễn Đức Tuyển, Ban AMT đang tập trung phối hợp với các địa phương và nhà thầu giải quyết nốt các vướng mắc còn tồn đọng, phấn đấu hoàn thành công tác kéo dây và hoàn tất các thủ tục nghiệm thu đóng điện trước ngày 15/7 để kịp đóng điện toàn tuyến đường dây 500kV Quảng Ninh-Hiệp Hòa trước ngày 20/7./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục