Ecuador: Cộng đồng thổ dân biểu tình yêu cầu giảm giá nhiên liệu

Cộng đồng thổ dân chiếm 1 triệu người trong tổng dân số 17,7 triệu người của Ecuador, nước này đang đối mặt với tình trạng lạm phát, thất nghiệp, nghèo đói gia tăng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Ecuador: Cộng đồng thổ dân biểu tình yêu cầu giảm giá nhiên liệu ảnh 1Người biểu tình phản đối Chính phủ tuần hành ở thủ đô Quito, Ecuador ngày 16/6/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 18/6, cộng đồng thổ dân tại Ecuador đã xuống đường biểu tình đòi giảm giá nhiên liệu ngày thứ 6 liên tiếp bất chấp lệnh tình trạng khẩn cấp của chính phủ.

Những người biểu tình vẫn tiếp tục tuần hành tại phần lớn các địa phương trong số 24 tỉnh của Ecuador, bao gồm cả 3 khu vực mà Tổng thống Guillermo Lasso đã ban bố tình trạng khẩn cấp.

Những người biểu tình cũng hối thúc Quốc hội can thiệp để chấm dứt tình trạng khẩn cấp.

Ecuador đang đối mặt với tình trạng lạm phát, thất nghiệp và nghèo đói gia tăng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Giá nhiên liệu đã tăng mạnh kể từ năm 2020, khi giá dầu diesel gần như tăng gấp đôi từ mức 1 USD lên 1,9 USD, trong khi giá xăng tăng từ 1,75 USD lên 2,55 USD.

Cộng đồng thổ dân chiếm 1 triệu người trong tổng dân số 17,7 triệu người của Ecuador.

Trong những ngày qua, Liên đoàn các dân tộc bản địa (Conaie) đã phát động những cuộc biểu tình lớn, chặn các đường cao tốc và lối vào thủ đô Quito, gây ra các cuộc đụng độ với lực lượng cảnh sát.

[Ecuador ban bố tình trạng khẩn cấp trước làn sóng biểu tình]

Các cuộc đối thoại với Tổng thống đều không đem lại kết quả.

Căng thẳng leo thang buộc Tổng thống Lasso ngày 17/6 phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại 3 tỉnh và thành phố, trong đó có cả thủ đô Quito.

Các tỉnh phải ban bố tình trạng khẩn cấp bao gồm Pichincha và Imbabura ở phía Bắc và Cotopaxi ở miền Trung. Với việc ban bố tình trạng khẩn cấp, Tổng thống Ecuador được quyền huy động quân đội tham gia giữ gìn trật tự xã hội, tạm dừng các quyền công dân và ban bố thiết quân luật.

Bên cạnh đó, nhằm "hạ nhiệt" các hoạt động biểu tình, Chính phủ Ecuador cũng quyết định sẽ trợ cấp 50% giá urê cho các nhà sản xuất vừa và nhỏ, đồng thời ra lệnh xóa các khoản vay đã quá hạn với giá trị lên tới 3.000 USD do ngân hàng nhà nước cấp để phát triển sản xuất.

Tuy nhiên, Conaie khẳng định sẽ tiếp tục chặn đường phố cho đến khi chính phủ đáp ứng 10 yêu cầu, trong đó có kiểm soát giá thực phẩm và đàm phán lại về các khoản vay cá nhân của 4 triệu hộ gia đình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục