EMA: Có thể có tác dụng phụ hiếm gặp khi tiêm vaccine của J&J

Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu cho rằng cần bổ sung tình trạng giảm tiểu cầu miễn dịch trên thông tin sản phẩm vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson (J&J) và của hãng AstraZeneca.
EMA: Có thể có tác dụng phụ hiếm gặp khi tiêm vaccine của J&J ảnh 1Vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 1/10 xác định có thể có mối liên quan giữa tình trạng huyết khối hiếm gặp trong tĩnh mạch sâu với vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson (J&J), đồng thời khuyến cáo liệt kê tình trạng này là tác dụng phụ của vaccine.

Bên cạnh đó, EMA cũng cho rằng cần bổ sung tình trạng giảm tiểu cầu miễn dịch (ITP) - một chứng rối loạn đông máu, do lượng tiểu cầu trong máu giảm bởi hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào tiểu cầu khỏe mạnh - là phản ứng bất lợi, với tần suất chưa xác định, trên thông tin sản phẩm vaccine ngừa COVID-19 của J&J và của hãng AstraZeneca.

J&J cho biết nguy cơ gặp phải tình trạng này là rất thấp, song hãng sẽ cập nhật thông tin sản phẩm và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng, trong đó có EMA.

Tuyên bố của J&J khẳng định ủng hộ mạnh mẽ việc nâng cao nhận thức về các dấu hiệu và triệu chứng hiếm gặp nhằm đảm bảo xác định nhanh chóng tác dụng phụ cũng như chữa trị hiệu quả.

Trước đây, vaccine ngừa COVID-19 của cả J&J và AstraZeneca đều được cho là có liên quan đến tình trạng huyết khối kèm hội chứng giảm tiểu cầu (TTS) hiếm gặp.

Theo EMA, tình trạng huyết khối tĩnh mạch (VTE) mới cần phải thêm vào nhãn sản phẩm vaccine ngừa COVID-19 của J&J, tách biệt với TTS.

[Thuốc tim mạch có thể ngăn ngừa cục máu đông ở bệnh nhân COVID-19]

VTE thường bắt đầu bằng một cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch chân, cánh tay hoặc bẹn, sau đó đi đến phổi và chặn việc cung cấp máu ở đó.

Vaccine của hãng AstraZeneca cũng từng vấp phải sự lo ngại sau khi các báo cáo về tác dụng phụ hiếm gặp nói trên xuất hiện trên toàn cầu. Tuy nhiên sau đó, vaccine này tiếp tục được khuyến nghị nên tiêm do hiệu quả và lợi ích vượt xa nguy cơ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục