EU thúc đẩy lập lực lượng bảo vệ biên giới đối phó người di cư

EU thúc đẩy lập lực lượng bảo vệ biên giới mới đối phó với người di cư

Lực lượng mới sẽ có 1.500 quân, có quyền can thiệp vào các nước thành viên EU nếu nhận thấy các nước này không đối phó được hoặc thất bại trong việc bảo đảm an ninh tại biên giới.
EU thúc đẩy lập lực lượng bảo vệ biên giới mới đối phó với người di cư ảnh 1Người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ tới đảo Lesbos của Hy Lạp sau hành trình vượt biển Aegean ngày 26/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong ngày họp đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí ấn định hạn chót là ngày 30/6/2016 phải thông qua việc thành lập một cơ quan bảo vệ biên giới trên biển và trên bộ chung của khối nhằm đối phó với dòng người di cư từ ngoài liên minh.

Thông báo đưa ra sáng 18/12 cho biết các nhà lãnh đạo EU đã thảo luận kế hoạch thành lập cơ quan này, bao gồm một lực lượng phản ứng nhanh có thể được triển khai trong trường hợp cần thiết mà không cần sự cho phép của quốc gia thành viên sở tại.

Dự kiến, lực lượng mới sẽ có 1.500 quân, có quyền can thiệp vào các nước thành viên EU nếu nhận thấy các nước này không đối phó được hoặc thất bại trong việc bảo đảm an ninh tại biên giới.

Theo giới chức EU, Hội đồng châu Âu cần thông qua lập trường về việc thành lập Lực lượng bảo vệ biên giới trên biển và trên bộ chung của châu Âu khi Hà Lan giữ chức Chủ tịch luân phiên EU trong nửa đầu năm 2016.

Nếu được nghị viện của các nước thành viên thông qua, lực lượng mới này sẽ thay thế cho Cơ quan kiểm soát biên giới châu Âu (Frontex) và sẽ tiếp tục mở rộng quân số.

Chi phí cho lực lượng mới sẽ lên tới 322 triệu euro (354 triệu USD) từ nay đến năm 2020.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo EU cũng hối thúc các nước thành viên nhanh chóng giải ngân khoản tiền hỗ trợ đã cam kết trị giá 3,25 tỷ USD giúp Thổ Nhĩ Kỳ đối phó với dòng người tị nạn.

Giới chức EU muốn nhanh chóng triển khai kế hoạch trên sau khi thừa nhận rằng quá chậm trong việc tiến hành một chiến lược chung để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất tại châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2.

Với 1 triệu người, chủ yếu là người di cư và tị nạn Syria đã đến châu Âu trong năm nay, việc kiểm soát biên giới thiếu hiệu quả đã đe dọa sự toàn vẹn khu vực tự do đi lại Schengen, sau khi các quốc gia thành viên tái kiểm soát đường biên giới nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn.

Phát biểu với báo giới trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU trong hai ngày 17-18/12 ở thủ đô Brussels, Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã hoan nghênh đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) thành lập một lực lượng biên phòng châu Âu và nhấn mạnh điều này hoàn toàn đúng hướng.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh kế hoạch kiểm soát viên giới bên ngoài châu Âu cần phải triển khai trên thực tế chứ không phải chỉ là quyết định trên giấy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục