Gazprom hoãn dự án đường ống chuyển khí đốt tới Thổ Nhĩ Kỳ

Dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt TurkStream của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị hoãn lại, trong bối cảnh căng thẳng giữa Moskva và Ankara đã lên đến đỉnh điểm.
Gazprom hoãn dự án đường ống chuyển khí đốt tới Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1(Nguồn: Kostasxan)

Ngày 7/10, tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga cho biết dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt TurkStream với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị hoãn lại, trong bối cảnh căng thẳng giữa Moskva và Ankara đã lên đến đỉnh điểm xung quanh chiến dịch can thiệp quân sự của Nga tại Syria.

Nga đã làm Thổ Nhĩ Kỳ tức giận khi tiến hành chiến dịch không kích nhằm vào các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria, quốc gia láng giềng phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ, trong một động thái mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gọi là "sai lầm nghiêm trọng."

Tuy nhiên, Phó Giám đốc điều hành Gazprom Alexander Medvedev nói rằng: "Những căng thẳng chính trị giữa hai nước không phải là nguyên nhân khiến dự án bị đình lại, mà là do các cuộc đàm phán giữa hai nước đã bị đóng băng từ tháng trước vì vẫn còn bất đồng về giá nhập khẩu khí đốt của Nga."

Theo ông Medvedev, lịch trình triển khai dự án vẫn chưa cụ thể vì hiện hai nước vẫn chưa ký kết bất kỳ thỏa thuận liên chính phủ nào, mặc dù việc xây dựng đường ống đầu tiên của dự án đã được dự kiến vào tháng 12/2016 để đưa khí đốt đến thị trường Thổ Nhĩ Kỳ trước khi cung cấp cho các khách hàng nước ngoài khác.

Tháng 12/2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo sẽ triển khai dự án đường ống TurkStream, thay thế dự án Dòng chảy Phương Nam đã bị hủy với các công ty châu Âu. Nhưng việc xây dựng hệ thống đường ống TurkStream, dự kiến được bắt đầu vào tháng 6/2015, đã bị lùi lại, mặc dù trước thời điểm Nga không kích IS ở Syria, ông Putin và người đồng cấp Erdogan đã nhất trí tiếp tục thực hiện dự án bất chấp khó khăn.

Theo kế hoạch, dự án TurkStream sẽ bao gồm 4 đường ống dẫn khí đốt dài 900 km/đường ống chạy dưới lòng Biển Đen nối miền Nam của Nga với khu vực phía Tây của Thổ Nhĩ Kỳ.

Với tổng công suất 32 tỷ m3 mỗi năm, hệ thống đường ống này sẽ giúp Nga đạt được mục tiêu vận chuyển khí đốt tới châu Âu mà không phải trung chuyển qua Ukraine.

Theo dự kiến, sau khi được hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2017, TurkStream sẽ vận chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ 15,75 tỷ m3 khí đốt/năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục