Gia Lai: Độc đáo những "chiếc áo" tinh xảo giành riêng cho cồng chiêng

Để giữ gìn những bộ cồng chiêng quý giá, đồng bào dân tộc Jrai dùng mây, tre đan thành những "chiếc áo" tinh xảo bao bọc cồng chiêng khi không sử dụng và cũng để tiện vận chuyển mỗi khi có lễ hội.
Thanh niên làng Mít Jep, xã Ia O (Ia Grai, Gia Lai) đan áo cho cồng, chiêng. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
Thanh niên làng Mít Jep, xã Ia O (Ia Grai, Gia Lai) đan áo cho cồng, chiêng. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Cuối năm, sau mùa gặt, khi thóc lúa đầy kho là lúc các hộ dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên tổ chức các hoạt động ăn mừng cho một năm mùa màng bội thu và chuẩn bị chào đón năm mới.

Như bao địa phương khác, người dân tộc Jrai vùng biên giới xã Ia O, huyện Ia Grai (Gia Lai) cũng đang tất bật chuẩn bị những tiệc cúng mừng, đặc biệt ở đây còn có một nét văn hóa độc đáo đặc trưng vùng đất đỏ bazan, đó là may áo cho cồng chiêng.

Theo ông Ksor Tuâng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ia O, người dân tộc Jrai ăn Tết theo Dương lịch nên cứ gặt vụ lúa xong là bà con tổ chức nhiều lễ hội. Đối với họ, những lễ hội này không thể thiếu tiếng cồng chiêng vì cồng chiêng là tài sản vô giá của người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên.

Để bảo vệ cho những bộ cồng chiêng được mới, an toàn, các nghệ nhân của làng thường tổ chức đan áo cho chúng mỗi năm. Những chiếc áo này ngoài tác dụng giữ tránh thất lạc, còn có tác dụng giữ sạch, tránh va chạm làm vỡ, móp méo các bộ cồng chiêng của dân làng.

Ngoài ra, chiếc áo còn là vật trang trí đẹp mắt khi những bộ cồng chiêng được treo trong nhà rông truyền thống.

Để bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc bản địa tại Tây Nguyên, nghệ nhân buôn, làng tự mình đi chặt mây, vót tre, nứa và đan thành những chiếc áo xinh xắn cho các bộ cồng chiêng của làng hoặc của gia đình.

Bộ áo tiện lợi nhất là khi làng có lễ hội, đám ma, đám cưới thì các bộ cồng chiêng được di chuyển từ nơi này đến nơi khác gọn gàng hơn.

Già làng Hyai, làng Mít Jep, xã Ia O, chia sẻ trước đây mây, tre nhiều dễ tìm nguyên liệu, nay mây, tre khan hiếm nên nguyên liệu đan áo cho cồng chiêng cũng khó tìm hơn. Tuy nhiên, hầu hết đàn ông người Jrai đều biết đan lát nên việc truyền dạy cho thế hệ trẻ cũng thuận tiện hơn.

Anh Siu Phưnh, 30 tuổi, làng Mít Jep, cho hay việc học đan áo cho chiêng cũng khá đơn giản vì từ nhỏ đàn ông Jrai đã được cha ông dạy đan lát rồi. Cái khó ở đây là đan các họa tiết trên áo sao cho bền, đẹp thì đã có nghệ nhân cầm tay chỉ việc, rồi tách ra làm từ từ sẽ có kinh nghiệm.

Theo thông lệ, cứ xong mùa gặt, các nghệ nhân lại bảo con trai trong làng đi chặt mây, chặt tre, nứa về đan áo cho những bộ cồng chiêng trong làng.

Các nghệ nhân sẽ đảm nhiệm công đoạn uốn mây thành các khung áo rồi đưa cho con, cháu đan như đan gùi. Khi đến các họa tiết hoa văn, các nghệ nhân lại chính tay mình thực hiện và hướng dẫn cho lớp trẻ.

Để đan xong một chiếc áo mới cho một bộ cồng chiêng mất khoảng 3 ngày. Chiếc áo sau khi hoàn thành còn được gắn nơ hai bên quai với màu sắc rất đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên.

[Bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên]

Những bộ cồng chiêng của làng Mít Jep hằng năm vẫn luôn được thay áo mới như một sự cảm ơn vì đã góp phần gìn giữ những chiếc cồng chiêng an toàn. Công việc đan áo cho cồng chiêng cũng đã tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân.

Mỗi chiếc áo được làm từ mây, tre, nứa sẽ có giá khoảng 1,5-1,6 triệu đồng nếu có người đặt mua. Người Jrai quan niệm cồng chiêng là tài sản quý giá cả về vật chất lẫn tinh thần. Do đó, nếu không tự đan được thì họ cũng sẽ bỏ tiền ra mua.

Gia Lai: Độc đáo những "chiếc áo" tinh xảo giành riêng cho cồng chiêng ảnh 1Nghệ nhân hướng dẫn thế hệ trẻ đan áo cho cồng, chiêng. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Theo ông Ksor Huyên, 76 tuổi, nghệ nhân đan áo cho chiêng, làng Mít Jep, đan áo cho cồng chiêng tức là để bảo vệ tài sản quý giá của địa phương; không để bị thất lạc, mòn, cũ, hư hỏng cồng chiêng.

Nhiều gia đình không đan thì cũng thỉnh thoảng mua những bộ áo mới để bảo vệ các bộ cồng chiêng của gia đình. Để duy trì việc đan áo cồng chiêng của người Jrai, xã tập trung vận động bà con trồng một số cụm tre để có nguyên liệu đan áo cho cồng chiêng.

Làng Mít Jep hiện còn 4 nghệ nhân chuyên đan áo cho cồng chiêng, nên rất tích cực vận động và hỗ trợ các nghệ nhân này truyền dạy cho con, cháu, thế hệ trẻ trong làng.

Theo bà Ksor H'Nga, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Ia Grai, cồng chiêng được coi là một trong những tài sản quý của cộng đồng người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên cả về giá trị vật chất lẫn tinh thần.

Mỗi bộ cồng chiêng đầy đủ có khoảng hơn 20 chiếc, trị giá hàng chục triệu đồng, nhưng do công tác cất giữ, bảo quản không thống nhất, nên nhiều bộ bị thất lạc. Hoặc trong quá trình di chuyển, người dân mang vác làm rơi vỡ khiến âm thanh cồng chiêng bị méo mó.

Việc người dân làng Mít Jep, xã Ia O thiết kế, đan áo, giúp bảo quản những bộ cồng chiêng còn nguyên hiện trạng, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên./.

 Vào dịp cuối năm, người dân tộc Jrai vùng biên giới xã Ia O (Ia Grai, Gia Lai) lại tất bật chuẩn bị những tiệc cúng mừng, đặc biệt là may áo cho cồng, chiêng. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
Vào dịp cuối năm, người dân tộc Jrai vùng biên giới xã Ia O (Ia Grai, Gia Lai) lại tất bật chuẩn bị những tiệc cúng mừng, đặc biệt là may áo cho cồng, chiêng. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
Các nghệ nhân làng Mít Jep, xã Ia O (Ia Grai, Gia Lai) đan áo cho cồng, chiêng. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
Các nghệ nhân làng Mít Jep, xã Ia O (Ia Grai, Gia Lai) đan áo cho cồng, chiêng. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
Cồng, chiêng được coi là một trong những tài sản quý của cộng đồng người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên cả về giá trị vật chất lẫn tinh thần. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
Cồng, chiêng được coi là một trong những tài sản quý của cộng đồng người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên cả về giá trị vật chất lẫn tinh thần. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
Việc thiết kế đan áo cho các bộ cồng, chiêng giúp bảo quản cho những bộ cồng chiêng và góp phần trong công tác bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
Việc thiết kế đan áo cho các bộ cồng, chiêng giúp bảo quản cho những bộ cồng chiêng và góp phần trong công tác bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
Thanh niên làng Mít Jep, xã Ia O (Ia Grai, Gia Lai) đan áo cho cồng, chiêng. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
Thanh niên làng Mít Jep, xã Ia O (Ia Grai, Gia Lai) đan áo cho cồng, chiêng. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục