Trong phiên giao dịch ngày 9/11, giá vàng giao kỳ hạn tại sàn COMEX của thị trường New York (Mỹ) tăng do lợi suất trái phiếu Mỹ giảm.
Cụ thể, giá vàng giao tháng 12/2021 tăng 2,8 USD (0,15%) lên 1.830,8 USD/ounce lúc đóng cửa.
Bộ Lao động Mỹ vừa cho biết, chỉ số giá sản xuất (PPI) đã tăng 0,6% trong tháng 10/2021 sau khi tăng 0,5% trong tháng 9/2021. Trong 12 tháng tính đến tháng 10/2021, PPI tăng 8,6% đã góp phần đẩy giá vàng lên mức cao nhất kể từ ngày 3/9.
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì chính sách tiền tệ "ôn hòa." Chủ tịch Fed Jerome Powell và Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida đều nhắc lại rằng việc tăng lãi suất có thể sẽ không xảy ra cho đến cuối năm 2022 hoặc 2023.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, James Bullard cho biết ông hy vọng Fed sẽ tăng lãi suất hai lần vào năm 2022.
[Giá vàng trên thị trường thế giới tăng gần 2% trong tuần qua]
Cũng trong phiên giao dịch giá bạc giao tháng 12/2021 giảm 22,4 xu Mỹ (0,91%) xuống 24,318 USD/ounce lúc đóng cửa, giá bạch kim giao tháng 1/2022 tăng 1,4 USD (0,13%) lên 1.061,4 USD/ounce lúc đóng cửa.
Tại Việt Nam, vào lúc 7 giờ sáng 10/11, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 58,60-59,32 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Giá dầu thế giới phiên 9/11 cao nhất trong hai tuần
Giá dầu thế giới trong phiên 9/11 tăng lên mức cao nhất của hai tuần sau khi Mỹ dỡ bỏ hạn chế đi lại và những dấu hiệu khác về sự phục hồi sau đại dịch trên toàn cầu đã thúc đẩy triển vọng nhu cầu, dù cho nguồn cung vẫn hạn hẹp.
Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc tăng 1,35 USD (1,6%) lên 84,78 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 2,22 USD (2,7%) lên 84,15 USD/thùng. Giá hai loại dầu này đều ghi nhận mức cao nhất kể từ ngày 26/10.
Giá dầu Brent đã tăng hơn 60% kể từ đầu năm 2021 đến nay và đã chạm mức cao của ba năm là 86,7 USD/thùng hôm 25/10 nhờ nhu cầu phục hồi và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+ hạn chế nguồn cung.
Giá dầu cũng được tiếp thêm sức sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 9/11 công bố báo cáo Triển vọng Năng lượng trong ngắn hạn (STEO) dự báo giá xăng bán lẻ sẽ giảm trong vài tháng tới.
Chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ sử dụng các dự báo giá trong báo cáo STEO để xác định xem có nên sử dụng lượng dầu từ các Kho Dự trữ Dầu chiến lược (SPR) của quốc gia hay không.
Các nhà phân tích cho biết nếu STEO thể hiện giá xăng dự kiến tăng mạnh, Chính phủ Mỹ có thể sẽ nhanh chóng “giải phóng” nhiều dầu khỏi SPR, qua đó giúp “hạ nhiệt” giá.
Trong STEO, EIA dự báo giá bán lẻ xăng loại thông thường trung bình sẽ giảm từ 3,32 USD/gallon trong tháng 11 xuống 3,16 USD/gallon vào tháng 12 và xuống còn 3 USD/gallon trong quý đầu tiên của năm 2022 (1 gallon = 3,78 lít).
OPEC+ đã bổ sung 400.000 thùng dầu thô mỗi ngày vào nguồn cung toàn cầu tại cuộc họp của OPEC+ hồi tuần trước, song Tổng thống Biden muốn tổ chức này bổ sung nhiều dầu hơn.
Theo Bob Yawger, Giám đốc phụ trách mảng hợp đồng năng lượng tương lai tại ngân hàng Mizuho (Nhật Bản), OPEC+ dự kiến tăng thêm 400.000 thùng/ngày cho đến tháng 6/2022.
Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu cao cấp tại công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy (Na Uy), cho biết việc Mỹ sử dụng lượng dầu của SPR mặc dù có thể có tác động giúp “hạ nhiệt” giá dầu tạm thời, nhưng không phải là giải pháp lâu dài đối với sự mất cân bằng giữa cung và cầu.
Ngân hàng JPMorgan Chase (Mỹ) cho biết nhu cầu dầu trong tháng 11/2021 đã gần trở lại mức trước đại dịch là 100 triệu thùng/ngày, sau khi sụt giảm mạnh trong năm 2020.
Tại Ấn Độ, nhu cầu nhiên liệu đã tăng trong tháng 10/2021 lên mức cao nhất trong 7 tháng, trong đó doanh số bán xăng tăng lên mức cao kỷ lục. Mặc dù thị trường toàn cầu thắt chặt, song các nhà phân tích dự báo các kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng tuần thứ ba liên tiếp có thể giúp hạn chế đà tăng của giá dầu.
Báo cáo đầu tiên từ Viện Xăng Dầu Mỹ, một trong hai báo cáo về nguồn cung "vàng đen" dự kiến trong tuần này, sẽ được công bố vào cuối ngày 9/11./.