Hà Nội đối thoại với 120 hộ dân vùng ảnh hưởng bãi rác Nam Sơn

Ngày 3/7, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn đã phối hợp với các sở, ngành đã tổ chức đối thoại với khoảng 120 hộ dân đại diện cho nhân dân 3 xã thuộc diện phải di dời, gồm Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ.
Hà Nội đối thoại với 120 hộ dân vùng ảnh hưởng bãi rác Nam Sơn ảnh 1Đại diện người dân chất vấn chính quyền và ngành chức năng tại buổi đối thoại ngày 3/7. (Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN)

Xung quanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (vùng bán kính 500 mét tính từ hàng rào dự án), ngày 3/7, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành đã tổ chức đối thoại với khoảng 120 hộ dân đại diện cho nhân dân 3 xã thuộc diện phải di dời, gồm Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ.

Tại hội nghị, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn đã thông tin đến người dân về tiến độ thực hiện dự án, cơ chế chính sách giải phóng mặt bằng cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.

Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện Sóc Sơn cho biết, đến nay, các đơn vị chức năng của huyện đã kiểm đếm xong 1.927 thửa đất nông nghiệp, trong đó đã xác nhận 705 thửa; kiểm đếm được 1.182/1.242 thửa đất ở, xác nhận 288 thửa. Tiếp đó, huyện đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ được 486 thửa cho 226 hộ có đất nông nghiệp tại xã Nam Sơn và Hồng Kỳ với diện tích thu hồi 34,16ha với số tiền 216,75 tỷ đồng; đang thẩm tra phương án tại bồi thường xã Bắc Sơn 54 thửa của 47 hộ với số tiền 16,4 tỷ đồng. Huyện đã lập phương án bồi thường cho 38 hộ tại xã Hồng Kỳ, cho 218 hộ tại xã Nam Sơn, đang trình thẩm tra.

Về chi trả tiền, ngày 2/7/2019, huyện đã tổ chức chi trả cho các hộ dân thôn Liên Xuân và Xuân Bảng, xã Nam Sơn được 90 tỷ đồng. Ngày 3/7 chi trả cho người dân thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn 89 tỷ đồng. Dự kiến, ngày 5/7 tới chi trả tiền cho người dân thôn 2 xã Hồng Kỳ 34,45 tỷ đồng.

Cũng theo ông Hùng, quá trình triển khai công tác giải phóng mặt bằng tại các xã trên đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Thực tế có nhiều nguyên nhân khách quan làm ảnh hưởng đến việc xác nhận nguồn gốc đất, công trình trên đất mà người dân đang dùng vào mục đích để ở; những bất cập trong chính sách, đơn giá thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Do đó, khó khăn cho việc lập phương án hoặc phương án dự thảo không nhận được sự đồng tình của người dân. Trên cơ sở những kiến nghị của người dân, Ủy ban Nhân dân huyện đã tổng hợp báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội xem xét, giải quyết nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, huyện kiến nghị thành phố chấp thuận cho Ủy ban Nhân dân huyện thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư theo diện tích đất ở đã được ghi trên giấy chứng nhận. Đối với công trình xây dựng trên ao, vườn liền kề đất ở, đề xuất thành phố căn cứ các quy định của pháp luật, cho phép Ủy ban Nhân dân huyện được bồi thường, hỗ trợ các công trình, tài sản nằm trên đất vườn theo Điều 12, Quyết định 10/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017 của Ủy ban Nhân dân thành phố vì đây là các công trình hợp pháp.

Để có căn cứ bồi thường, hỗ trợ đối với đất ao, vườn liền kề với đất ở, không thiệt thòi so với các hộ dân có cùng loại đất thu hồi trước ngày Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, huyện đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố cho phép được vận dụng bồi thường, hỗ trợ đối với đất ao, vườn liền kề đất ở như đất nông nghiệp được giao, khai hoang theo quy định tại Khoản 1, Điều 19, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP.

Cũng theo lãnh đạo huyện Sóc Sơn, để đảm bảo quyền lợi của công dân có đất nằm trong ranh giới quy hoạch, rừng phòng hộ-bảo vệ môi trường huyện Sóc Sơn năm 2008, đề nghị được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư như sau: Đất ở được bồi thường theo hạn mức công nhận quyền sử dụng đất ở tại Quyết định số 20/2017/QĐ-UBND ngày 1/6/2017 của Ủy ban Nhân dân thành phố (400 m2 xã vùng trung du), diện tích còn lại là đất nông nghiệp trồng cây lâu năm. Công trình trên đất được bồi thường theo quy định hiện hành và các hộ dân được xem xét bố trí tái định cư…

Tại cuộc đối thoại, cùng với những kiến nghị, đề xuất của huyện, đại diện các hộ dân tham dự đã có 10 lượt ý kiến đề nghị huyện và thành phố quan tâm giải quyết. Các hộ dân đề nghị thành phố, huyện thực hiện đúng lộ trình giải phóng mặt bằng đã cam kết; hoàn thiện hồ sơ và chi trả đầy đủ tiền cho nhân dân xong trong tháng 7/2019. Đặc biệt, thành phố phải tạo điều kiện về chính sách tái định cư đối với từng trường hợp để đảm bảo cuộc sống của nhân dân.

Các hộ dân cho rằng, với mức giá bồi thường, hỗ trợ về đất và tài sản trên đất theo quy định hiện hành còn thấp, chưa hợp lý do vậy nhân dân không chấp nhận di chuyển, muốn đóng cửa bãi rác để được ở lại. Cụ thể, khung giá bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản trên đất chỉ 866.000 đồng/1 m2, trong khi giá đất ở khu tái định cư lại quá cao, có chỗ lên tới 4 triệu đồng/m2.

Bên cạnh đó, bà con kiến nghị thành phố phải công nhận đất ở đối với các hộ dân đã chia tách, xây dựng nhà ở riêng nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận; phải thông tin về giá bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản trên đất để người dân đối chiếu, xem xét, cân đối với giá đất tái định cư. Thành phố và huyện quy hoạch nghĩa trang mới để đảm bảo việc chôn cất mộ mới, di chuyển mồ mả cũ; thay tên của dự án để có chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ khác…

Cũng tại cuộc đối thoại, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nam Sơn Nguyễn Quang Hòa đề nghị huyện trong tháng 7/2019 phải thông qua các phương án đất ở; thông tin về thực trạng khó khăn, vướng mắc trong việc di dời để đề nghị thành phố, huyện xem xét, hỗ trợ chính sách giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Đại diện Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn, ông Phạm Văn Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện cho biết, những mong muốn, kiến nghị của bà con nhân dân là chính đáng, huyện sẽ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của thành phố về những nội dung vượt thẩm quyền; đồng thời chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, đảm bảo đúng quy định chính sách hiện hành. Lãnh đạo huyện đề nghị các hộ dân chia sẻ, hỗ trợ, ủng hộ dự án, đặc biệt không tập trung đông người ngăn cản xe chở rác vào bãi rác.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định đã trả lời những ý kiến của người dân về cấp giấy chứng nhận, tài sản trên đất, đất rừng, giá đất và cơ chế chính sách liên quan,... Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của thành phố, ngoài quy định của Luật, các ngành sẽ tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố báo cáo các bộ, Chính phủ có cơ chế đặc thù để giải quyết các kiến nghị của nhân dân.

Như tin đã phản ánh, do bãi rác Nam Sơn phát tán mùi hôi thối, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của một số người dân 3 xã (Nam Sơn, Hồng Kỳ và Bắc Sơn) nên thời gian qua đã xảy ra tình trạng người dân tụ tập đông người để chặn xe chở rác vào bãi, gây nên tình trạng ùn ứ rác cục bộ tại một số khu vực nội thành Hà Nội.

Vì vậy, thành phố Hà Nội quyết định di dời, đền bù giải phóng mặt bằng đối với những hộ dân có nhà, ruộng trong phạm vi bán kính 500 mét tính từ tường rào bãi rác Nam Sơn ra khỏi vùng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện dự án này đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do các hộ dân không đồng tình với mức giá đền bù cũng như chính sách hỗ trợ của thành phố và tiếp tục thực hiện việc chặn xe, không cho vận chuyển rác thải vào bãi để xử lý theo quy định.

Trước tình trạng này, thành phố chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn chủ động thực hiện các biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; đồng thời tăng cường nắm bắt tình hình, tuyên truyền, vận động người dân không ngăn cản việc tiếp nhận, xử lý tại Khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục