HN: Xóa "nút thắt" giá, "khuyết" đầu tư bãi đỗ xe

Hà Nội: Gỡ cơ chế, thu hút đầu tư xây bãi đỗ xe

Thiếu bãi đỗ xe trầm trọng đang là bài toán khó của giao thông đô thị Hà Nội, trong khi nhà đầu tư thì e ngại vì vốn bỏ ra lớn mà thu về nhỏ giọt.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, trên địa bàn thủ đô, diện tích bãi đỗ xe hiện đang quá thấp. Các điểm, bãi đỗ công cộng được cấp phép chỉ đáp ứng được khoảng 8 – 10% nhu cầu đỗ của phương tiện, còn lại khoảng hơn 90% số xe đang đỗ tại sân trường học, sân cơ quan… và tại các điểm bãi đỗ không được cấp phép.
Xe “đùn” hết ra bãi đỗ trái phép
Trong thời gian qua, nhằm giải quyết nhu cầu bức xúc về điểm đỗ cho nhân dân, một số dự án bãi đỗ xe đã hoàn thành hoặc đang được triển khai xây dựng như: Bãi đỗ xe chợ Hàng Da, mương Phan Kế Bính, Chợ Mơ, Gia Thụy, bãi đỗ xe lắp ghép giàn thép cao tầng... Ngoài ra, thành phố cũng tiến hành sắp xếp các điểm đỗ xe trên lòng đường, vỉa hè đồng thời tiến hành cấp phép tạm thời tại một số tuyến phố có lưu lượng thấp hay những khu đất chưa sử dụng tại khu vực công cộng… Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, thành phố hiện chỉ có khoảng 687 điểm đỗ xe có phép với diện tích khoảng hơn 12ha (chiếm 8 -10%). Điểm đỗ thiếu, nhu cầu của người dân lại ngày một tăng, hàng loạt bãi trông giữ xe tự phát mọc lên, thu phí “cắt cổ”. Trên khắp các tuyến phố Hà Nội, rất hiếm nơi nào khách được gửi xe với giá đúng theo quy định. Đặc biệt tại nhiều khu chung cư, chi phí hàng tháng cho dịch vụ trông giữ xe rất khá cao. Lâu nay người dân Thủ đô đi trên các tuyến phố như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt và Hai Bà Trưng, Mai Hắc Đế… đã trở nên quen thuộc với hình ảnh vỉa hè, lòng đường thành nơi đỗ ôtô bất chấp đoạn đường đó có được phép hay không. Nhiều chủ xe đến cơ quan thì chỉ nhận được cái lắc đầu hết chỗ để ôtô. Vì thế, các “thượng đế” hàng ngày phải khổ sở đi sớm để “xí chỗ” đỗ xe, chậm chân là hết chỗ, muộn giờ làm đã trở thành nối khổ của nhiều chủ sở hữu "xế hộp". Thống kê của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho thấy, trên địa bàn các quận trung tâm có khoảng 176 dự án nhà cao tầng với công năng là tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, chung cư với diện tích cho đỗ xe chỉ đáp ứng được 20-35%, số còn lại phải đi gửi xe tại các điểm đỗ khu vực xung quanh. Nhiều chuyên gia giao thông cũng nhìn nhận, dân số Hà Nội đang ngày một tăng lên. Các công sở, cơ quan không chịu "lùi" ra ngoại vi thành phố mà cứ bám trụ trong nội đô, trong khi lượng phương tiện cá nhân tăng cấp số nhân. Thậm chí, các công trình khi xây dựng đã chú trọng khai thác tầng hầm làm bãi đỗ nhưng quản lý, sử dụng chuyển đổi công năng vì mục đích kinh doanh đã khiến bài toán giao thông tĩnh ngày càng khó giải. Thừa nhận thực tế này, theo đánh giá của vị Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn thành phố đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định 165/2003 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đến nay đã có nhiều sự thay đổi. Các công trình xây dựng khác đã hình thành nên việc giải phóng mặt bằng để xây dựng bãi đỗ xe theo quy hoạch là vô cùng khó khăn. [Quy hoạch điểm đỗ: "Loạn" vì lúng túng trong quản lý] Bên cạnh đó, ông Hùng cũng chỉ ra thực tế: “Mạng lưới điểm, bãi đỗ xe công cộng phân bố không hợp lý như thiếu về số lượng và kém về chất lượng dịch vụ đã gây khó khăn cho công tác quản lý, mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.” Hiện nay, nhiều người vẫn tỏ ra lo ngại, Hà Nội mới chỉ quan tâm tới việc quy hoạch mạng lưới điểm đỗ mà vẫn chưa có những hành động mạnh tay về cơ chế chính sách, khuyến khích và mở rộng cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào bãi đỗ. Duy nhất, giàn thép đỗ xe đã và đang được xây dựng với hi vọng là lối thoát cho vấn đề giao thông tĩnh nhưng khả năng thu hồi vốn quá lâu chính là "rào cản" khiến nhiều nhà đầu tư không mặn mà.
Gỡ cơ chế thu hút nhà đầu tư
Thực tế, đại diện các cơ quan chức năng và chuyên gia giao thông cho rằng, Hà Nội cần phải xem xét lại đồng bộ các yếu tố bao gồm quy hoạch giao thông, phương tiện giao thông, quản lý tổ chức giao thông và phải gắn với từng giai đoạn phát triển để gia tăng diện tích các điểm đỗ xe. Bên cạnh đó, để thu hút nhà đầu tư xây dựng các điểm đỗ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao, đại diện các ban ngành cũng kiến nghị, thành phố phải có nhiều bước đột phá, cơ chế phải thông thoáng hơn như cho vay vốn với mức lãi suất thấp, miễn thuế thuê đất .. thì doanh nghiệp mới mặn mà. Nhằm giải quyết triệt để bài toán giao thông tĩnh, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa hoàn tất Dự thảo quy định khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ôtô và các phương tiện khác. Dự kiến, quy định này sẽ được Ủy ban Nhân dân trình Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua vào kỳ họp tháng 7 tới.
Hà Nội: Gỡ cơ chế, thu hút đầu tư xây bãi đỗ xe ảnh 1
Bãi đỗ xe giàn thép cao tầng vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Tại dự thảo, thành phố sẽ khuyến khích các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu công trình hoặc có quyền sử dụng đất trong khu vực tổ chức trông giữ xe nhưng phải đảm bảo về an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường. Ngoài ra, thành phố cũng đề xuất thay đổi phí trông xe chuyển sang cơ chế giá dịch vụ trông xe để khuyến khích đầu tư bởi hoạt động trông giữ xe hiện nay thực hiện theo cơ chế thu phí (mức phí do Hội đồng Nhân dân thông qua, không phải cơ chế giá dịch vụ). “Với cơ chế này, các tổ chức cá nhân thực hiện việc trông giữ xe gặp nhiều khó khăn trong công tác hạch toán kinh doanh dẫn đến không hấp dẫn và thu hút nhà đầu tư,” dự thảo nêu rõ. Đồng tình quan điểm đó, bà Nguyễn Thị Thanh Lam, Phó Giám đốc Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, cho rằng hiện nay, thực tế mức phí trông giữ xe chưa cao. Vì thế, nhà đầu tư còn ngần ngại. “Trông giữ xe là một loại dịch vụ mà doanh nghiệp cũng rất muốn đầu tư, người dân có nhu cầu và sẵn sàng trả tiền để sử dụng dịch vụ tốt. Cơ chế quản lý phù hợp từ mức phí chuyển sang giá thì người ta mới dám đầu tư,” bà Lam đánh giá.
[Giàn thép đỗ xe: Đầu tư lớn, thu hồi vốn… nhỏ giọt]
Đề cập đến thực trạng giá trông xe có bị “thổi” lên khi nhà đầu tư được quyết định giá vé, ông Hùng cho rằng, hiện, giá giữ xe vẫn do Hội đồng Nhân dân quy định. Tới đây, dự thảo nếu được thông qua và triển khai, nhà đầu tư bãi đỗ xe, bến xe tĩnh hoặc chuyển đổi nhà thương mại thành bãi đỗ xe sẽ được hưởng nhiều chế độ ưu đãi về vay vốn, thuế, đầu tư hạ tầng… “Giá vé thương mại nhưng vẫn do các cơ quan chức năng xây dựng để đảm bảo lợi ích người dân và nhà đầu tư,” ông Hùng khẳng định. Theo ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải, doanh nghiệp được quyền quyết định giá vé là điều hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, giá vé cần sự quản lý của Vụ Chính sách giá (Bộ Tài chính) nhằm khống chế giá trần, giá khung để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Giá vé trông giữ xe cũng giống như giá taxi. Các nhà kinh doanh quyết định giá trên thang bậc giá mà Nhà nước đưa ra. Trong bối cảnh điểm đỗ thiếu và chưa tương xứng với quy hoạch bộ mặt phát triển đô thị, Hà Nội cần phải gỡ bỏ "nút thắt" về cơ chế để nhà đầu tư không e ngại xây dựng các điểm trông giữ xe khi bỏ vốn lớn nhưng khả năng thu hồi nhỏ giọt./.
Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục