Hà Nội: Không để bị động, bất ngờ, mất kiểm soát trong mọi tình huống

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng sau 4 ngày triển khai, kết quả kiểm tra của các đoàn thành phố tại cơ sở cho thấy có nơi làm rất tốt, có nơi còn chưa thực hiện nghiêm, có hiện tượng chủ quan, lơ là.
Hà Nội: Không để bị động, bất ngờ, mất kiểm soát trong mọi tình huống ảnh 1Lực lượng chức năng phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, kiểm soát, xịt sát khuẩn tay cho người vào chợ tại khu mua sắm hàng thiết yếu. (Ảnh: TTXVN)

Theo ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, yêu cầu cấp bách hiện nay là phải siết chặt kỷ cương, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17/CT-UBND. Chỉ có như vậy mới chặn đứng được đà lây lan, không đặt thành phố vào tình thế mất kiểm soát bởi chủng mới Delta.

“Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố phải bám sát địa bàn, tập trung cao nhất cho nhiệm vụ phòng, chống dịch. Thành phố sẽ lấy hiệu quả thực hiện Chỉ thị 17 làm 'thước đo' trách nhiệm của từng đồng chí,” Bí thư Thành ủy nêu rõ.

Kết quả thực hiện CT17 là "thước đo" người đứng đầu

Tại cuộc họp chiều 27/7, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhận định sau 4 ngày triển khai thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND, kết quả kiểm tra cho thấy có nơi làm rất tốt, có nơi còn chưa thực hiện nghiêm, có hiện tượng chủ quan, lơ là. Có hiện tượng người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chưa sâu sát, khiến công tác triển khai thực hiện Chỉ thị 17 trên các địa phương còn chưa đầy đủ, kịp thời, thiếu đồng nhất. Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức không chấp hành nghiêm yêu cầu giãn cách, để số người đi làm vẫn đông...

[Xử phạt nghiêm vi phạm để tận dụng thời gian vàng] 

“Nếu tiếp tục để tồn tại những vi phạm này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả phòng, chống dịch chung của thành phố, làm lãng phí 'thời gian vàng' 15 ngày thực hiện giãn cách,” ông Đinh Tiến Dũng nói.

Do đó, Bí thư Thành ủy yêu cầu các đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy thường xuyên giám sát, kiểm tra việc thực hiện tại các quận, huyện, thị xã, kịp thời chấn chỉnh, kiểm điểm xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu.

Kết quả triển khai nhiệm vụ này là “thước đo” uy tín, năng lực, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, trực tiếp là người đứng đầu.

Cũng theo chỉ đạo của ông Đinh Tiến Dũng, từ thành phố xuống cơ sở phải thống nhất triển khai và tổ chức thực hiện đồng bộ, nghiêm túc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17/CT-UBND.

Ông lưu ý cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, trực tiếp là người đứng đầu phải rà soát, đánh giá toàn diện công tác phòng, chống dịch, bảo đảm thực hiện đúng, đủ từng nội dung liên quan; nơi nào còn thực hiện chưa đúng, chưa đủ phải chấn chỉnh ngay; chủ động tăng thêm cường độ, mật độ kiểm tra, giám sát để bảo đảm duy trì thực hiện liên tục từng ngày và cả 15 năm ngày theo quy định. 

Sẽ thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất

Để thực hiện nghiêm Chỉ thị 17, ông Đinh Tiến Dũng cho biết 15 đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất, giám sát thường xuyên công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy trực thuộc Thành ủy và người đứng đầu cấp ủy trong thực hiện giãn cách xã hội.

Tương tự, các cấp ủy Đảng trực thuộc Thành ủy theo nhiệm vụ phải tổ chức ngay các đoàn kiểm tra, gắn trách nhiệm của các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy với địa bàn phụ trách.

Hà Nội: Không để bị động, bất ngờ, mất kiểm soát trong mọi tình huống ảnh 2Lực lượng chức năng kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống dịch. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bí thư Thành ủy cũng giao Ban Cán sự đảng Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo Công an thành phố làm đầu mối, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức bố trí đủ các chốt nhằm kiểm tra, kiểm soát, nhất là ở địa bàn giáp ranh bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc giãn cách.

Các quận, huyện, thị xã, các phường, xã, thị trấn phải tăng thêm lực lượng trực kiểm tra, kiểm soát tại chỗ và lưu động; huy động sự tham gia của lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ, các đoàn viên, hội viên, các tổ COVID cộng đồng đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân chấp hành nghiêm; tăng quy mô, mật độ kiểm tra, kiểm soát trên các địa bàn, các tuyến đường giao thông, các khu vực công cộng, xử lý nghiêm các trường hợp ra ngoài mà không có lý do chính đáng, không đúng quy định.

Phát phiếu đi chợ, siêu thị và ký cam kết hoạt động

Cho rằng mô hình phát phiếu đi chợ, siêu thị tại quận Tây Hồ là cần thiết để bảo đảm giãn cách, Bí thư Thành ủy yêu cầu các quận, huyện, thị xã nghiên cứu triển khai ngay để phòng, chống dịch. 

Bên cạnh đó, các địa phương nơi có các khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phải xây dựng kế hoạch bảo đảm các điều kiện sản xuất an toàn phòng dịch cho người lao động được chính quyền sở tại phê duyệt và ký cam kết mới được hoạt động. Nhiệm vụ này phải tập trung hoàn thành trong ngày 28/7.

Song song với nhiệm vụ quan trọng cấp bách nêu trên, Bí thư Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành từ thành phố xuống cơ sở tiếp tục tăng cường công tác chuẩn bị theo phương châm “3 trước,” “4 tại chỗ” để bảo đảm thành phố, cơ quan, đơn vị, địa phương mình duy trì hiệu quả phòng, chống dịch trong kịch bản xấu hơn và dịch kéo dài hơn; bảo đảm các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị và lực lượng tham gia; không để bị động bất ngờ, mất kiểm soát trong mọi tình huống./.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, đến tối 27/7, thành phố tiếp tục ghi nhận thêm 21 trường hợp mắc COVID-19; trong đó có 12 ca tại cộng đồng và 9 tại khu cách ly tập trung.  

Trong ngày 27/7, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập hồ sơ đề nghị Ủy ban Nhân dân các cấp xử phạt hành chính 804 trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19 với số tiền 1.533.650.000 đồng.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục